'Kiên mắt to': Hiến máu giúp người cũng là giúp chính mình

Ngay sau khi tham gia hiến máu lần đầu tiên, được ban tổ chức thông báo mình thuộc nhóm máu hiếm em đã có chút bất ngờ, sung sướng vì thấy mình thật đặc biệt. Em đã tham gia vào CLB nhóm máu hiếm và tìm kiếm, huy động mọi người tham gia, sinh hoạt như người thân…, Nguyễn Đức Kiên, chàng trai Hà Nội chia sẻ.

Như nhiều sinh viên khác, cách đây 10 năm (năm 2009) Kiên tham gia phong trào hiến máu tình nguyện theo chương trình của đoàn trường phát động. Thế rồi Kiên đã bén duyên với phong trào hiến máu từ đó đến nay. Không chỉ tham gia hiến máu 15 lần mà sự đặc biệt ở nhóm máu đã thôi thúc Kiên đứng ra tập hợp, vận động những người cùng thuộc “nhóm máu hiếm” như mình tham gia sinh hoạt trong CLB để sẵn sàng hiến máu hỗ trợ cộng đồng nhóm máu hiếm. Và nick-name “Kiên mắt to” chính là “thương hiệu” của Kiên trên mạng xã hội với vai trò quản trị các nhóm, huy động các thành viên hiến máu khi cần.

Chia sẻ về những ngày đầu chập chững đến với phong trào hiến máu tình nguyện, chàng trai SN 1991 chia sẻ rất hồn nhiên: Sau khi tham gia hiến máu lần đầu tiên em đã được Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương thông báo em thuộc nhóm máu hiếm (ARh-). “Khi nhận thông tin này em thấy thật bất ngờ và cảm thấy sướng vì thấy mình đặc biệt hơn người khác. Sau đó thì em cũng hơi lo lắng, nếu mình như thế khi xảy ra chuyện thì làm sao. Ngay từ khi đó em đã tham gia vào CLB nhóm máu hiếm và kêu gọi, tập hợp thêm nhiều thành viên tham gia.

Nguyễn Đức Kiên không chỉ tham gia hiến máu mà còn tập hợp thêm nhiều thành viên nhóm máu hiếm sẵn sàng tham gia hiến máu khi cần. Ảnh: T.A

Nguyễn Đức Kiên không chỉ tham gia hiến máu mà còn tập hợp thêm nhiều thành viên nhóm máu hiếm sẵn sàng tham gia hiến máu khi cần. Ảnh: T.A

Sau quá trình hoạt động 3 năm, em đã được mọi người ghi nhận bầu em làm trưởng nhóm ARh. Ở đây, chúng em sinh hoạt như người thân trong ngôi nhà thứ 2. Tất cả mọi người đều quan niệm hiến máu là để giúp cho người thân và giúp cho chính mình”.

Xuất phát từ nỗi lo lắng cho những người cùng nhóm máu cũng như trách nhiệm với chính bản thân mình, Nguyễn Đức Kiên đã tìm kiếm, kêu gọi các thành viên tham gia CLB nhóm máu hiếm. Tận dụng lợi thế là “dân công nghệ”, Kiên đã lên mạng xã hội để tìm kiếm thông tin, trao đổi, kêu gọi những người thuộc nhóm máu hiếm tham gia vào các nhóm kín để có thông tin chính xác về người hiến máu cũng như dễ dàng huy động khi khẩn cấp.

“Vì mạng xã hội có nhiều trang web, nhiều nhóm facebook nên loãng. Có tới 90% không phải nhóm máu hiếm hoặc khi có thông tin gì mọi người chia sẻ quá tràn lan, không có thông tin chuẩn xác, nhiều thông tin sai lệch hoàn toàn, khiến bọn em khó hỗ trợ cho người bệnh. Vì thế, em đã thành lập nhóm facebook riêng, giữ thành viên chất lượng nhất, có thông tin chính xác đã qua kiểm duyệt”- “Kiên mắt to” chia sẻ.

Với cách làm việc rất “có nghề” của “Kiên mắt to” nên sau một thời gian kêu gọi, tập hợp, danh sách thành viên của CLB nhóm máu hiếm miền Bắc cứ ngày một dài thêm. Đến năm 2017 có khoảng 1.000 người, trong đó có khoảng 700-800 người thường xuyên liên lạc trao đổi và hiến máu khi cần. Và cùng với sự lớn mạnh của phong trào hiến máu tình nguyện, “Kiên mắt to” cũng dần trưởng thành, đến nay chàng trai có đôi mắt to, tròn đã trở thành Phó Chủ nhiệm CLB nhóm máu hiếm miền Bắc.

Kể về kỷ niệm khi tham gia hiến máu hiếm cho cộng đồng, Kiên vẫn mang dư âm của niềm vui khi bệnh nhân mới đây đã hồi phục mạnh khỏe. Kiên tâm sự: Bệnh nhân làm nghề đánh cá dò mìn ngoài biển ở khu vực Nghệ An, cuối năm 2018 bị nổ mìn đa chấn thương toàn bộ cơ thể. Ngay khi bạn gặp nạn bệnh nhân đã được đưa vào BV tỉnh Nghệ An.

“Khi đó chỉ có 1 đơn vị máu nhóm ARh- ở đó thì người bệnh phải truyền tạm bằng nhóm ORh- để có thể vận chuyển ra BV Việc Đức. Khi bạn được chuyển ra ngoài này thì CLB nhóm máu hiếm nói chung và nhóm máu ARh- đã huy động hơn 30 đơn vị máu ARh- cộng thêm nhiều đơn vị máu ORh- để có thể chữa trị cho bạn đó trải qua 5-6 ca phẫu thuật sau đó để hồi phục. Chấn thương về sau của bạn đó điều trị trong vòng 1 tháng, đến thời điểm hiện tại thì bạn ấy đã qua được cơn nguy kịch. Trở về địa phương bạn ấy thông báo đã hồi phục gần như hoàn toàn sức khỏe”.

Hay khi công tác ở nội thành Hà Nội, buổi trưa nhận được thông tin từ Viện Huyết học-truyền máu thông báo có người cần nhóm ARh- Kiên đã sắp xếp công việc để qua ngay. “Khi qua viện đến tầm trưa em hơi đói, hơi mệt nên khi hiến cảm thấy có dấu hiệu không được khỏe nhưng em đã hoàn thành hiến máu mà không phải… truyền ngược lại cho mình”, Kiên cười hóm hỉnh.

Điều khiến chàng trai Hà Nội cảm thấy vui vẻ nhất là lãnh đạo cơ quan biết thông tin em mang nhóm máu hiếm nên trong trường hợp khẩn cấp cần máu, em báo cáo đều được mọi người hết sức tạo điều kiện để em hỗ trợ cộng đồng. “Trước khi hiến máu em gầy gò, mảnh khảnh, đến nay sau một thời gian em đã có cơ thể thế này. Em cảm thấy hiến máu như việc tái tạo nguồn máu của mình cho mình nguồn sinh khí mới. Sau mỗi lần hiến máu em cảm thấy khỏe mạnh. Còn tinh thần thì sung sướng vì mang nguồn máu của mình hỗ trợ được cho người khác. Thực tế cũng có những thành viên trong CLB đến không đủ điều kiện hiến máu phải đi về đã khóc, buồn vì không thể hỗ trợ được. Mọi người hãy cứ cho đi rồi mình sẽ nhận lại được nhiều hơn”, Kiên mắt to nhắn nhủ.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/kien-mat-to-hien-mau-giup-nguoi-cung-la-giup-chinh-minh-150866.html