Kiến làm 'vệ sĩ' cho cây ăn thịt nắp ấm

Cây ăn thịt nắp ấm và loài kiến có mối quan hệ cộng sinh với nhau. Cây nắp ấm là nơi ở và cung cấp thức ăn cho kiến, đổi lại, kiến sẽ đóng vai trò như một tổng quản cho cây ăn thịt nắp ấm.

Cây ăn thịt nắp ấm Nepenthes bicalcarata thường sống ở những vùng đầm lầy nghèo chất dinh dưỡng trên quần đảo Borneo ở Indonesia. Nó không hiệu quả lắm trong việc bắt mồi một mình, bởi vì lá hình ấm thiếu độ trơn trượt và chất nhầy để giữ con mồi, như những loài cây ăn thịt cùng họ với nó.

Tuy nhiên, loài cây ăn thịt N. bicalcarata có một trợ thủ đắc lực – đó là loài kiến Camponotus schmitzi. Mỗi lá hình ấm của cây ăn thịt sẽ là nơi ở và cung cấp nguồn thức ăn vô tận cho loài kiến. Đổi lại, những con kiến sẽ đóng vai trò là "tổng quản" cho cây ăn thịt.

Kiến làm "tổng quản" cho cây ăn thịt nắp ấm

Kiến làm "tổng quản" cho cây ăn thịt nắp ấm

Hàng ngày, kiến sẽ làm vệ sinh thành và miệng của ấm giúp nó luôn đủ độ trơn để bắt con mồi. Kiến cũng đóng vai trò làm vệ sĩ tấn công những loài mối mọt ngặm nhấm cây ăn thịt. Chúng vận chuyển phần còn lại của những con mồi lớn ra khỏi ấm để tránh làm ấm của cây ăn thịt bị thối. Ngoài ra, kiến phục kích ở trong ấm sẵn sàng tấn công con mồi bị sa lưới hoặc canh giữ những con mồi có ý định trốn thoát. Phân của kiến cũng rất tốt cho cây ăn thịt.

Quan hệ hai bên cùng có lợi giữa cây ăn thịt và loài kiến được các nhà khoa học thuộc trường Đại học Montpellier 2 (Pháp) phát hiện sau khi họ tiến hành so sánh giữa nhóm kiến sống cùng với cây ăn thịt với một nhóm kiến khác sống tách biệt với cây ăn thịt.

“Những con kiến hợp tác cộng sinh với cây ăn thịt nắp ấm có chế độ sinh dưỡng tốt hơn và chúng cũng đóng vai trò quan trọng quyết định tới sự sống còn của cây nắp ấm Nepenthes bicalcarata”, tiến sĩ Vincent Bazile, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.

Các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng, những cây ăn thịt nắp ấm sống chung với kiến có lá to và nhiều hơn so với những cây không sống chung với kiến. Ngoài ra, lá của cây ăn thịt nắp ấm cũng chứa nhiều chất ni tơ hơn, chất hóa học có vai trò quan trọng đối với các phân tử hữu cơ như protein và ADN.

Nghiên cứu của các nhà khoa học người Pháp được đăng trên tạp chí PLoS ONE vào ngày 9/5 vừa qua.

Theo Huy Phong/Khám phá

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/kien-lam-ve-si-cho-cay-an-thit-nap-am/20210217082838318