Kiên Giang: 'Vàng đen' ngon nức tiếng giờ khiến dân 'vàng mắt'

Từ đầu năm đến nay, giá tiêu trên thị trường giảm mạnh đến mức kỷ lục, hiện chỉ còn chưa đến 60 ngàn đồng/kg đã làm cho nhiều bà con nông dân trồng tiêu tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang đang rất lo lắng, thậm chí một số hộ còn bỏ mặc vườn tiêu không chăm sóc do giá thấp.

Ông Lâm Diều Hải, một nông dân trồng tiêu tại ấp Hòn Trẹm, xã Bình An, huyện Kiên Lương cho biết, gia đình ông có trên 300 bụi tiêu trồng trên 10 năm, do giá tiêu xuống quá thấp nên từ nhiều tháng nay ông bỏ mặc bụi tiêu không chăm sóc, bón phân hay dọn cỏ cho vườn tiêu của gia đình.

Nhiều bụi tiêu do thiếu phân bón, nước tưới nên vàng úa, một số bụi có nguy cơ bị chết mặc dù thời điểm này cây tiêu đang bắt đầu cho trái đến Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019 là bắt đầu thu hoạch rộ. “Hiện một số bụi tiêu đã có trái chính nhưng tôi vẫn không thu hoạch được, vì chi phí thuê mướn nhân công còn cao hơn so với giá tiêu bán được. Cầm chắc lỗ vốn nên để tiêu chín rụng nhiều nhưng biết làm thế nào đây”, ông Hải than thở.

Ngoài những bụi tiêu đã có trái không thu hoạch do giá thấp, hiện gia đình ông Lâm Diều Hải, ấp Hòn Trẹm, xã Bình An, huyện Kiên Lương vẫn cò tồn hơn 400kg tiêu thành phẩm từ vụ trước chưa bán được.

Ngoài số bụi tiêu ngoài vườn bỏ mặc không chăm sóc, do giá tiêu xuống thấp nên hiện trong nhà ông Hải vẫn còn dự trữ lại hơn 400kg tiêu đã thu hoạch hơn 1 năm trước. Do để lâu ngày nên một số hạt tiêu đã bị ẩm, mốc, dễ dẫn đến kém chất lượng của hạt tiêu nếu để kéo dài. Ông Hải cho biết, vào thời điểm này năm trước, giá tiêu ngang còn bán được ở mức 180 ngàn đến 190 ngàn đồng/kg, nhưng vào thời điểm này chỉ còn chưa đến 60 ngàn đồng/kg, thậm chí còn không có thương lái đến hỏi mua.

Không mặn mà đến việc chăm sóc cho cây tiêu, đó là tình trạng chung của nhiều hộ nông dân tại ấp Hòn Trẹm, xã Bình An, huyện Kiên Lương vào thời điểm này do giá tiêu xuống thấp. Anh Danh Thi, ấp Hòn Trẹm, xã Bình An, huyện Kiên Lương, cho biết, nếu như có chăm sóc, bón phân cho cây tiêu thì khi thu hoạch, tiền bán tiêu không đủ bù cho chi phí thuê mướn nhân công và tiền phân bón.

“Gia đình tôi có gần 500 bụi tiêu đang trong giai đoạn cho trái, nhưng giá thấp nên tôi không thu hoạch và chăm sóc nên cây tiêu bị thiếu nước, hao hụt cũng khá nhiều”, anh Danh Thi chia sẻ.

Giá tiêu xuống thấp ở mức kỷ lục, người trồng tiêu tại xã Bình An, huyện Kiên Lương không còn mặn mà khi chăm sóc vườn tiêu của gia đình, khiến cho nhiều bụi tiêu chết. Trong ảnh, anh Danh Thi, ấp Hòn Trẹm, xã Bình An, huyện Kiên Lương thu dọn những bụi tiêu của gia đình bị chết.

Để trồng một bụi tiêu đến khi thu hoạch, bà con nông dân trồng tiêu tại huyện Kiên Lương phải mất khoảng thời gian từ 3 đến 4 năm, cùng với đó là gần 1 năm chăm sóc thì cây tiêu mới cho trái. Do mất nhiều chi phí từ cây giống, trụ, công chăm sóc, cộng với vốn đầu tư từ phân bón, tiền thuê mướn nhân công làm cỏ, thu hoạch tiêu...

Nhưng với giá tiêu như hiện nay, bà con nông dân cho biết sẽ rất khó khăn để duy trì số bụi tiêu của gia đình. Tuy nhiên, bà con nông dân rất khó chuyển đổi sang cây trồng khác, một phần vì đất đai, thổ nhưỡng không phù hợp, mặt khác do cây tiêu là cây trồng truyền thống có từ lâu đời của người dân địa phương nên bà con không biết làm gì khác hơn là phải tiếp tục chờ giá tiêu tăng và sự hỗ trợ của ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương.

Bình An là một trong những địa phương có số lượng người trồng tiêu lớn của huyện Kiên Lương với trên 63 ngàn bụi. Hiện cây tiêu của bà con đang trong giai đoạn cho trái. Dự kiến, gần đến Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019 bà con nông dân trồng tiêu tại huyện Kiên Lương sẽ bắt đầu thu hoạch.

Tuy nhiên, với giá tiêu xuống thấp như hiện nay, ngành chức năng địa phương đề nghị bà con nên duy trì việc chăm sóc, bón phân cho cây tiêu, tránh tình trạng cây tiêu bị chết, ảnh hưởng đến thu nhập cũng như đời sống của bà con.

Ông Đỗ Văn Út, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình An, huyện Kiên Lương, cho biết: “Trồng tiêu được xem là một trong nghề truyền thống có từ lâu đời của bà con nông dân tại xã, tuy nhiên trước tình trạng tiêu rớt giá như hiện nay, bà con nông dân rất cần ngành chức năng sớm vào cuộc, có biện pháp đảm bảo đầu ra ổn định, từ đó giúp bà con phát triển kinh tế gia đình và có thu nhập ổn định từ cây tiêu./.

Văn Phụng (Cổng TTĐT Kiên Lương)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/kieng-giang-vang-den-ngon-nuc-tieng-gio-khien-dan-vang-mat-952707.html