Kiên Giang tuyên truyền pháp luật cho cán bộ và nhân dân

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh Kiên Giang được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ và nhân dân, qua đó góp phần giúp người dân nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật.

Nói về công tác ngành Tư pháp năm 2019, ông Trần Văn Khái - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang cho biết: Năm 2019, các văn bản, kế hoạch triển khai, hướng dẫn công tác PBGDPL năm 2019 được tỉnh ban hành đầy đủ, kịp thời. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ về công tác này.

Công tác tuyên truyền, PBGDPL được tất cả các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện tốt. Năm 2019, toàn tỉnh tổ chức tuyên truyền trực tiếp 11.841 cuộc với 662.691 lượt người tham dự. Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp tình hình thực tế của từng cơ quan, tổ chức và từng địa phương như tổ chức hội nghị tuyên truyền, lồng ghép vào các cuộc họp, chương trình, hoạt động của cơ quan, tổ chức; biên soạn, in ấn, cấp phát tài liệu; tuyên truyền trên Báo Kiên Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, hệ thống loa truyền thanh cơ sở; tủ sách pháp luật; bản tin chuyên ngành; tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cơ sở; sinh hoạt các loại hình câu lạc bộ pháp luật cơ sở...

Ông Trần Văn Khái - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang.

Ông Trần Văn Khái - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang.

Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh thường xuyên được kiện toàn và hoạt động tốt. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cũng được củng cố, kiện toàn. Tính đến nay, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh có 172 người, cấp huyện 598 người, tuyên truyền viên pháp luật ở các xã có 2.446 người. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đều đạt tiêu chuẩn theo quy định, có khả năng triển khai tuyên truyền các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Các chương trình phối hợp về công tác PBGDPL của các cơ quan, tổ chức có liên quan được triển khai thực hiện.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch về tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường” đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ký kết chương trình phối hợp về thực hiện công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ; đồng thời phối hợp Tòa án nhân dân tỉnh ký kết kế hoạch về thực hiện công tác PBGDPL và hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2019-2023.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh là một trong những đơn vị tích cực tuyên truyền, PBGDPL. Hội đã phối hợp các ban, ngành chức năng tuyên truyền lồng ghép, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, quyền bình đẳng giới, phòng ngừa xâm hại tình dục ở trẻ em, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Bà Lê Thị Sáu - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Hội tuyên truyền, PBGDPL dựa trên kế hoạch phối hợp của Sở Tư pháp. Ngoài ra còn phối hợp, kết hợp các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh lồng ghép tuyên truyền tại các địa phương giúp hội viên và người dân tiếp cận pháp luật. Do kinh phí của hội còn hạn chế nên việc tổ chức tuyên truyền gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao”.

Chi Hội luật gia Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Đoàn luật sư Kiên Giang đã tổ chức tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân 02 xã Bà Thạch và xã Bàn Tân Định (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang).

Quan tâm công tác PBGDPL, năm 2019, Phòng Tư pháp huyện Châu Thành tuyên truyền được 792 cuộc với 23.207 người tham dự. Ngoài tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phòng tập trung tuyên truyền các luật mới được Quốc hội thông qua và các luật liên quan đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật được duy trì tại tất cả các xã, thị trấn trong huyện, mỗi tủ sách đều có trên 250 đầu sách các loại.

Xã Giục Tượng (Châu Thành, Kiên Giang) là một trong 122 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018 của tỉnh. Thời gian qua, xã duy trì các câu lạc bộ pháp luật. Các thành viên của câu lạc bộ giải đáp, hướng dẫn người dân về những vấn đề pháp luật trong các cuộc họp ở ấp, kỳ sinh hoạt đoàn thể. Xã Giục Tượng còn xây dựng tủ sách pháp luật để giúp cán bộ và người dân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật.

Bí thư Đảng ủy xã Giục Tượng - Trần Văn Hùm cho biết: “Xã thường xuyên tuyên truyền pháp luật các cuộc họp định kỳ ở ấp, tiếp xúc cử tri, kỳ sinh hoạt của các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ… Giúp người dân nâng hiểu biết hơn về pháp luật, tiếp cận được những văn bản pháp luật mới ban hành, qua đó người dân hiểu và tránh các hành vi vi phạm pháp luật.

Bà Dương Ngọc Kiều- Trưởng phòng Tư pháp huyện Kiên Lương (Kiên Giang).

Bà Dương Ngọc Kiều - Trưởng phòng Tư pháp huyện Kiên Lương (Kiên Giang) cho biết: Ngay từ đầu năm 2019, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp tham mưu ban hành Kế hoạch thực hiện công tác Phổ biến giáo dục Pháp Luật, trong đó có nội dung tăng cường chỉ đạo cá hoạt động hòa giải ở cơ sở, thường xuyên phối hợp với UBND các xã thị trấn quan tâm củng cố kiện toàn và xây dựng lực lượng hòa giải viên. Hiện nay trên toàn huyện có 44 tổ hòa giải ở cơ sở/44 ấp, khu phố với 247 hòa giải viên.

Bên cạnh đó công tác báo cáo, tổng kết biểu dương, khen thưởng đối với hòa giải viên để kịp thời động viên, khuyến khích đội ngũ này hoạt động tốt hơn là một trong những nội dung được UBND huyện thực hiện nghiêm túc./.

Trọng Nghĩa

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/kien-giang-tuyen-truyen-phap-luat-cho-can-bo-va-nhan-dan-494056.html