Kiên Giang: Người thích 'táy máy' giúp nông dân nhẹ cả người

Không học qua bất kỳ trường lớp nào về chế tạo máy nhưng anh Nguyễn Thanh Nhàn (36 tuổi, ngụ phường Rạch Sỏi, TP.Rạch Giá, Kiên Giang) đã 'táy máy', mày mò cải tiến thành công nhiều máy móc, giúp nhà nông giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Đam mê cải tiến máy nông nghiệp

Các loại máy nông nghiệp được anh Nhàn cải tiến thành công gồm: Máy cày, máy cắt đập liên hợp, máy trạcđất và đánh rảnh mặt ruộng, máy đắp bờ ruộng, máy phun phân và lúa giống...

Đang hì hụi bên xưởng cơ khí nhỏ của mình với bàn tay đầy dầu nhớt, gương mặt và tấm lưng nhễ nhại mồ hôi, anh Nhàn cười thật tươi và nói luôn một mạch khi chúng tôi hỏi về những chiếc máy đang được anh xếp dày đặt trong xưởng. Anh cho biết: “Ở đây, máy nào tôi cũng phải cải tiến lại để phù hợp đồng đất xứ này. Có cái cũng trầy trật hết cả năm mới xong, cũng có máy chỉ mất 1-2 tuần là chạy ngon và làm việc rất hiệu quả”.

Máy đắp bờ do anh Nguyễn Thanh Nhàn cải tiến thành công đang làm đất cho bà con nông dân. Ảnh: NQ.

Máy đắp bờ do anh Nguyễn Thanh Nhàn cải tiến thành công đang làm đất cho bà con nông dân. Ảnh: NQ.

Nói về động lực để anh dốc nhiều tâm sức cho việc cải tiến máy móc phục vụ ruộng đồng, anh Nhàn cho biết: “Do hiện nay ngày càng thiếu nhân công lao động, khiến việc gieo sạ của gia đình và bà con trong xóm không kịp thời vụ. Từ đó, tôi nghĩ mình phải cố gắng làm được cái này cái kia để vừa giải phóng sức lao động cho con người, vừa giúp nhà nông giảm chi phí, tăng lợi nhuận”.

Bàn tay lau lau bụi kính chiếu hậu của chiếc máy cắt đập liên hợp, anh Nhàn kể: “Chiếc máy cắt đập liên hợp này do Nhật Bản sản xuất. Hồi mới mua về cắt thấy lúa hạt theo rơm thất thoát ra ngoài khá nhiều nên tôi lên internet học cách cải tiến lại, rồi đi đâu thấy máy cắt ngon cũng ghé lại hỏi thăm”.

Sau hơn 1 năm với không ít lần thất bại, hết tháo ra lại lắp vào, cuối cùng anh Nhàn cũng thành công. “Giờ máy cắt ngon lành, không bị xót lúa hột trong rơm nữa”-anh Nhàn phấn khởi nói.

Theo anh Nhàn, do kích cỡ hạt lúa của Việt Nam lớn hơn hạt lúa của Nhật Bản nên khi sử dụng máy cắt đập liên hợp của Nhậtcó những điểm không thích hợp. Chính vì vậy, anh đã cải tiến bằng cách nới rộng thêm mắt lưới rằn.

Cần mẫn, cầu thị, mỗi lần đi đâu anh Nhàn cũng thủ sẵn trong xebộ đồ nghề gồm thước gấp, bút mực, sổ ghi chép để khi thấy được máy móc ở đâu giúp giảm nhân công, chi phí sản xuất cho nhà nông là anh đều tìm cách học hỏi và về nhà áp dụng.

Gặt hái thành công từ sự kiên trì

Cũng từ niềm đam mê sáng tạo này mà anh Nhàn đã gặt hái được không ít thành công trong việc cải tiến máy móc cho phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng và thói quen sản xuất của người dân trong và huyện. Từ những chiếc máy đã được cải tiến thành công của mình, anh Nhàn không chỉ phục vụ cho 1,5ha ruộng nhà mà anh còn có thêm khoản thu nhập hơn 150 triệu đồng từ hợp đồng làm dịch vụ trọn gói cho 50ha/năm của bà con trong xóm.

AnhNhànđã cải tiến thành công chiếc máy cắt đập liên hợp của Nhật Bản để phù hợp với cây lúa tỉnh nhà. Ảnh: NQ.

Có được thành công như hôm nay, anh Nhàn đã không ngại khó khăn, thử thách trong những lần đi một số tỉnh “tầm sư học đạo”. Với anh Nhàn, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những năm tự tìm cách cải tiến máy móc là lần anh qua tận An Giang với hy vọng tìm được giải pháp chỉnh lại máy trạt đất và đánh rảnh đường nước trên mặt ruộng.

“Nhớ lần đó đang chạy xe qua một cánh đồng giữa trưa nắng, tôi vô tình gặp một bác nông dân đang điều khiển máy trạt đất ngoài đồng, máy chạy tới đâu mặt ruộng phẳng lì đến đó và hình thành những rảnh thoát nước trên mặt ruộng. Thấy vậy tôi liền dừng xe lại, hỏi thăm bác ấy nhưng bác dứt khoác không hé nửa lời về bí quyết chế tạo máy”- anh Nhàn kể.

Với tính kiên trì, anh Nhàn quyết định tìm nhà người quen ở gần đó để ngủ tạm, sáng hôm sau anh trở lại tìm người nông dân ấy lần nữa. Sau 2 ngày lân la nói chuyện, kiên trì thuyết phục cuối cùng anh Nhàn đã khiến người lão nông ấy phải mềm lòng và chỉ dẫn tận tình vì thấy anh quá tâm huyết với đồng ruộng.

Máy trạc đất và đánh rảnh nước, một trong những chiếc máy được Nguyễn Thanh Nhàncải tiến thành công. Ảnh: NQ.

Với anh Nhàn chiếc máy trạc đất và đánh rảnh nước cải tiến là sản phẩm mà anh tâm đắc nhất. Chiếc máy này giúp nhà nông giảm được chi phí 3,5 triệu đồng/ha so với thuê nhân công đánh rảnh thoát nước nhỏ trên ruộng. Ngoài ra, với chiếc máy này, mỗi ngày có thể trạc và đánh rảnh cho 10ha ruộng, trong khi trạc bằng tay chỉ được 1ha.

Đặc biệt, lợi ích từ chiếc máy trạc đất kết hợp đánh rảnh nước giúp việc rải phân, xịt thuốc thuận tiện hơn. Ngoài ra, do sử dụng đầu của chiếc máy cày để điều khiển dàn trạc đất nên người điều khiển máy sẽ đỡ vất vả hơn và không phải đứng trạt như máy trạt tay loại nhỏ. Với chiếc máy này, anh Nhàn còn giúp bà con gieo sạ kịp lịch thời vụ, né được rầy và giảm chi phí trong sản xuất rất hiệu quả.

Thành công với nhiều máy nông nghiệp tiện lợi nhưng anh Nhàn cho biết ai có nhu cầu tìm hiểu anh sẵn sàng hướng dẫn chứ không bán lấy tiền bởi như anh nói Anh mong muốn góp chút công sức cho việc cơ giới hóa đồng ruộng của tỉnh Kiên Giang.

Theo danviet.vn

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/kien-giang-nguoi-thich-tay-may-giup-nong-dan-nhe-ca-nguoi/20190425105027818