Kiên Giang: Một người bệnh tâm thần bị truy tố và bắt tạm giam

Để có cơ sở để giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật, TAND tỉnh Kiên Giang đã có công văn đề nghị Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ giải thích nội dung chưa rõ ràng trong Kết luận giám định số 105 ngày 25/5/2020 đối với bị cáo Trần Tuấn Ngọc.

Theo nội dung đơn cầu cứu, bà Trần Thị Bích Thủy (SN 1980) và Trần Thị Ngọc Yến (SN 1984) là hai người em ruột của ông Trần Tuấn Ngọc (SN 1973, có hộ khẩu TT tại ấp Bãi Thơm, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), người bị bệnh tâm thần từ năm 2011, nhưng đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang bắt giam vào ngày 5/12/2019 và tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ án hình sự “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”.

Ngày 15/6/2020, VKSND tỉnh Kiên Giang đã ban hành cáo trạng số 09/CT – VKSKG-P1 truy tố về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” đối với ông Trần Tuấn Ngọc.

Cho rằng các cơ quan tố tụng tỉnh Kiên Giang truy tố hình sự đối với một người bị bệnh tâm thần mãn tính như ông Trần Tuấn Ngọc là không đúng với quy định của pháp luật và có nhiều khuất tất, chị em bà Thủy, bà Ngọc đã gửi đơn kêu cứu nhiều nơi.

Điều khiến gia đình bà Thủy, lo lắng, hoang mang nhất chính là tình trạng sức khỏe của ông Ngọc giảm sút trầm trọng, nếu không được chữa trị kịp thời, theo đúng liệu trình của bác sĩ chuyên ngành thì khó có thể giữ được tính mạng. Theo bà Thủy, năm 2011, Trung tâm giám định Pháp y tâm thần (Sở Y tế TP.HCM) đã đưa ra Kết luận số 1117/2011/DV/TTGĐPYTT, kết luận Trần Tuấn Ngọc bị trầm cảm nặng với các triệu chứng loạn thần (F32.3-ICD10). Đây là loại bệnh thuộc rối loạn tâm thần mạn tính.

Ngày 26/11/2015, TTGĐPY tâm thần khu vực Tây Nam Bộ (TNB) đưa ra Kết luận số 81/KLGĐTC, kết luận Trần Tuấn Ngọc bị bệnh: Về y học: hiện tại hội chứng sau chấn động não (F07.2-ICD10) + rối loạn nhân cách thực tổn (F07.0-ICD10). Về pháp luật: Hiện tại đương sự không đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Do đó, ngày 18/01/2016, Trần Tuấn Ngọc đã bị TAND tỉnh Kiên Giang ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người bị kết án về tội đánh bạc. Và ông Ngọc đã chấp hành nhập viện điều trị tại BV Tâm thần Trung ương 2 – TP. Biên Hòa từ ngày 03/2/2016 đến ngày 15/11/2017.

Trong các Giấy ra viện do Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa (Bộ Y tế) đều đưa ra kết quả chẩn đoán: Người bệnh Trần Tuấn Ngọc bị hội chứng sau chấn động não (F07.2-ICD10) + rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn (F078-ICD10).

Bản thân ông Ngọc bị bệnh rối loạn tâm thần mạn tính, rối loạn nhân cách thực tổn. Do đó, ông từng bị TAND tỉnh Kiên Giang yêu cầu chữa bệnh bắt buộc và Công an huyện Phú Quốc cũng đã từng đình chỉ điều tra đối với ông Ngọc vào năm 2015.

Từ năm 2011, các đơn vị giám định pháp y tâm thần luôn kết luận ông Trần Tuấn Ngọc bị bệnh tâm thần và ông Ngọc đã nhiều lần đi trị bệnh tại BV Tâm thần Trung ương 2 – TP.Biên Hòa

Từ năm 2011, các đơn vị giám định pháp y tâm thần luôn kết luận ông Trần Tuấn Ngọc bị bệnh tâm thần và ông Ngọc đã nhiều lần đi trị bệnh tại BV Tâm thần Trung ương 2 – TP.Biên Hòa

Vừa qua, căn cứ vào Kết luận giám định số 105/2020/KL.GĐ ngày 25/5/2020 của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ với nội dung đầy mâu thuẫn, VKSND tỉnh Kiên Giang ra Cáo trạng số 09/CT-VKSKG-P1 ngày 15/6/2020 truy tố bị cáo Trần Tuấn Ngọc tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Trong phần lý lịch của bị cáo cũng ghi rõ: Tình trạng bệnh tâm thần khởi phát từ năm 2011, từng được miễn trách nhiệm hình sự, do “không đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi”.

Theo Kết luận giám định, Về y học: Trước, trong, sau khi phạm tội: Đương sự có bệnh lý tâm thần: Rối loạn nhân cách thực tổn (F07.0-ICD10); Hiện tại: Đương sự có bệnh lý tâm thần: Hội chứng Ganser (F44.80-ICD10), Rối loạn nhân cách thực tổn (F07.0-ICD10). Về năng lực: Tại thời điểm phạm tội: Đương sự đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi; Hiện tại: Đương sự hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do bệnh lý tâm thần. Về trách nhiệm hình sự: Tại thời điểm phạm tội: Đương sự có năng lực trách nhiệm hình sự; Hiện tại: Đương sự có năng lực trách nhiệm hình sự.

Với nội dung Kết luận giám định số 105/2020/KL.GĐ chứa đựng nhiều mâu thuẫn và không thuyết phục. Do đó, chị em bà Thủy, bà Yến đã làm đơn gửi đến TAND tỉnh Kiên Giang yêu cầu giám định lại.

TAND tỉnh Kiên Giang đã có công văn đề nghị TTGĐPY tâm thần KV TNB giải thích Kết luận giám định số 105/2020/KL.GĐ về hai nội dung:

Thứ nhất, tại sao trong Kết luận giám định kết luận về mặt y học: “Trước, trong và sau khi phạm tội đương sự có bệnh lý tâm thần, rối loạn nhân cách thực tổn (F07.0-ICD10)”, mà về năng lực: “tại thời điểm phạm tội đương sự đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi?”.

Thứ hai, trên cơ sở nào mà đánh giá “tại thời điểm phạm tội đương sự đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi” và “Hiện tại đương sự hạn chế nhận thức và điều khiển hành vi do bệnh lý tâm thần?”.

Theo nội dung Kết luận giám định số 105/2020/KL.GĐ, Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Đoàn luật sư TP.HCM nhận định: “Đây thực sự là một kết luận giám định có nội dung mâu thuẫn. Trong hoạt động tố tụng, kết luận giám định đúng, chính xác là chứng cứ quan trọng, đôi khi là nguồn chứng duy nhất để giải quyết vụ việc một cách khách quan, công bằng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, nếu kết luận giám định không đúng có thể dẫn đến giải quyết vụ việc không thỏa đáng hoặc oan sai, gây hậu quả nặng nề”.

Hải Nam

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/congly-24h/kien-giang-mot-nguoi-benh-tam-than-bi-truy-to-va-bat-tam-giam-49239.html