Kiên Giang kỳ vọng sẽ đột phá, vươn xa hơn

Bộ GTVT và UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ thông xe kỹ thuật tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 khai mạc vào hôm nay, 16-10.

Theo báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang khóa X, trong nhiệm kỳ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 7,22%/năm. So với năm 2015, quy mô nền kinh tế năm 2020 tăng mạnh (từ 47.076 tỉ đồng lên 71.755 tỉ đồng); thu nhập bình quân đầu người/năm tăng từ 1.630 USD lên 2.458 USD; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỉ trọng nông - lâm - thủy sản từ 40,39% còn 31,54%; tỉ trọng công nghiệp - xây dựng từ 18,11% tăng lên 20,06%; dịch vụ từ 41,5% tăng lên 48,4%; sản lượng lương thực năm 2020 đạt 4,3 triệu tấn, lúa chất lượng cao chiếm 72%...

Trong sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở quy hoạch tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; chú trọng nhiều hơn vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, từ 78,22 triệu đồng/ha/năm tăng lên 100 triệu đồng/ha/năm.

Kiên Giang đặt mục tiêu phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn Ảnh: VĂN DƯƠNG

Kiên Giang đặt mục tiêu phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn Ảnh: VĂN DƯƠNG

Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, lượng khách tăng rất nhanh qua các năm, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh. Doanh thu du lịch đạt hơn 22.918 tỉ đồng. Nổi bật là chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao; liên kết du lịch với các địa phương khác trong nước và quốc tế được mở rộng (hiện sân bay quốc tế Phú Quốc có kết nối đường bay với 13 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới).

Đảng bộ tỉnh Kiên Giang cũng đưa ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong nhiệm kỳ tới, trong đó đáng chú ý là triển khai thực hiện Đề án thành lập TP Phú Quốc. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành trung ương xây dựng cơ chế, chính sách đột phá cho TP đảo đầu tiên của Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực thực sự, tạo điều kiện cho Phú Quốc phát triển trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế, với 3 trụ cột chính: công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng; dịch vụ tài chính ngân hàng và kinh tế biển.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, quy hoạch chung xây dựng Phú Quốc và quản lý tốt quy hoạch. Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị, bảo vệ, phát triển rừng nguyên sinh, bảo vệ môi trường biển. Xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của TP Phú Quốc trong tình hình mới.

Đặc biệt, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng ĐBSCL và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

l Cùng ngày, tại huyện Châu Thành, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ thông xe kỹ thuật dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (qua địa phận TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang).

Dự án có tổng mức đầu tư 6.355,3 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của chính phủ Hàn Quốc là 200 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 1.806,3 tỉ đồng. Theo thiết kế trong giai đoạn này, dự án có quy mô đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, 4 làn xe, dài 51 km. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư với quy mô 6 làn xe và vận tốc thiết kế là 100 km/giờ.

Công Tuấn - Thanh Vân

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/kien-giang-ky-vong-se-dot-pha-vuon-xa-hon-20201015221145201.htm