Kiên Giang: Giống lúa Nhật giúp xã viên làm giàu

Giống lúa Nhật đang có giá khoảng 6.900 đồng/kg, lúa thơm khoảng 6.200 đồng/kg.

Xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ thăm cánh đồng trồng giống lúa Nhật. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Từ làm giống lúa truyền thống, các xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ (ấp Đường Gỗ Lộ, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) mạnh dạn chuyển sang mô hình trồng giống lúa Nhật bước đầu đạt kết quả khá cao, giúp nông dân làm giàu.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đường Gỗ Lộ cho biết, giống lúa Nhật thời gian kéo dài hơn mấy loại khác.

Từ lúc gieo sạ tới lúc thu hoạch gần 4 tháng, nhưng được lợi là nông dân chỉ cần bón phân từ 3 - 4 lần, ngoài ra không cần phun hay xịt bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào, không cần chăm sóc mà cây lúa vẫn tăng trưởng tốt. Năng suất bình quân cao ngất ngưởng khoảng 12 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt trên 13 tấn/ha.

Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ, lâu nay nông dân ở đây chỉ quen trồng lúa cao sản ngắn ngày IR-50404. Tuy năng suất cao, nhưng chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, tiền thuê nhân công chăm sóc lúa tốn kém. Đến lúc thu hoạch thì gần như mùa nào cũng bị với điệp khúc “được mùa mất giá” và ngược lại.

Bên cạnh đó, tình trạng “cò lúa” hứa thu mua rồi hủy hợp đồng xảy ra thường xuyên. Khoảng ba, bốn năm trước, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang hướng dẫn bà con nông dân chuyển sang trồng lúa thơm sử dụng giống đã được cấp xác nhận là Jasmine năng suất cũng cao vào khoảng 10 - 11 tấn/ha, nhưng chi phí nhiều thứ, trong đó đáng ngại nhất là bị sâu rầy, chuột cắn phá. Với giống lúa Nhật, năng suất tương đương và cao hơn lúa cao sản IR-50404, nhưng thời gian sinh trưởng dài hơn khoảng 20 ngày.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ cho biết, xã viên trong hợp tác xã sở dĩ “bén duyên” được với giống lúa Nhật là cuối năm 2017, trong một lần dự hội thảo giới thiệu loại phân bón lá, ông Nam cùng một số xã viên được đại diện công ty Vinacam giới thiệu về giống lúa Nhật.

Sau khi đi tham quan hai mô hình tại huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) và huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang), ông Nam bàn với mọi người trong hợp tác xã trồng giống lúa mới.

Trước mùa vụ, phía doanh nghiệp xuất khẩu gạo tạm ứng cho nông dân 500.000 đồng/1.000m2 và chi phí mua lúa giống. Khoảng 15-20 ngày, công ty này cử nhân viên xuống tận Hợp tác xã Đường Gỗ Lộ thăm đồng lần. Toàn bộ 100% sản lượng lúa đều được bao tiêu xuất khẩu sang Nhật. Giá hợp đồng với xã viên vào đầu vụ là 5.700 đồng/kg, cao hơn giá lúa thơm (lúa chất lượng cao khoảng 500 đồng/kg).

Xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ thăm cánh đồng trồng giống lúa Nhật. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Theo ông Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ, hiện tại, giống lúa Nhật đang có giá khoảng 6.900 đồng/kg, lúa thơm khoảng 6.200 đồng/kg. Hợp tác xã ký hợp đồng 5.700 đồng/kg là thấp, nhưng xã viên đều hài lòng vì lúc ký thỏa thuận bao tiêu, công ty cho giá cao hơn 500 đồng.

Ông Trần Thành An (68 tuổi) cho rằng, ông có 3 ha đất trong hợp tác xã Đường Gỗ Lộ, chưa có lúc nào nghề trồng lúa lại “khỏe” như trồng giống lúa Nhật. Mang tiếng làm ruộng, nhưng gần như quanh năm suốt tháng không cần chăm sóc gì mà giống lúa Nhật vẫn xanh mướt đồng.

Theo ông An, ông làm ruộng cả đời, chưa từng thấy giống lúa nào lạ lùng như giống này hết, không sâu, không rầy, chuột cũng không màng tới cắn phá vì cây lúa cứng, tới mấy bụi cỏ mà cũng không cạnh tranh nổi với lúa. Mấy miếng ruộng liền thửa với hợp tác xã bị cháy rầy, còn ruộng mình không hề bị gì hết.

Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ, tính nhẩm mỗi ha đất trồng lúa Nhật tiết kiệm chi phí khoảng 500.000 đồng so với lúa thường. Với giá 5.700 đồng/kg, trừ chi phí mỗi kg lúa nông dân thu lãi khoảng 3.500 đồng.

Tính tròn mỗi ha cho năng suất 10 tấn, thì sau một vụ lúa 4 tháng nông dân thu về 35 triệu đồng. Mỗi năm làm hai vụ, số tiền thu được lên tới 70 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền bán rơm sau khi thu hoạch. Bởi cây lúa Nhật cho bụi to, cây cứng, khỏe cao hơn 1 m nên người trồng nấm rơm rất chuộng.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đường Gỗ Lộ cho biết, gia đình ông cũng trồng 3 ha lúa giống Nhật. Trước mắt thấy có nhiều cái lợi, đó là đồng ruộng xanh, sạch đúng nghĩa, bởi không xịt bất kỳ loại hóa chất độc hại nào. Giá cả ổn định, năng suất cao, nhẹ công chăm sóc. Nhà nông làm ra hạt gạo bán hết qua Nhật Bản - thị trường khó tính bậc nhất thế giới, cũng cảm thấy tự hào.

Mô hình trồng lúa giống Nhật là một điển hình cho xu hướng nông nghiệp sạch. Ngoài huyện Giồng Riềng, hiện nay các địa phương khác cũng đang trồng lúa sạch rất nhiều, như huyện Hòn Đất, Giang Thành, Kiên Lương…/.

Lê Sen/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/kien-giang-giong-lua-nhat-giup-xa-vien-lam-giau/78613.html