Kiên Giang đường bờ biển sạt lở nghiêm trọng

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đường bờ biển đang bị sạt lở nghiêm trọng, theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 69,8km bờ biển bị sạt lở, trong đó khoảng 35km sạt lở nghiêm trọng.

Kiên Giang đường bờ biển sạt lở nghiêm trọng

Khu vực bờ biển tỉnh Kiên Giang trải dài từ Mũi Nai, thị xã Hà Tiên đến rạch Tiểu Dừa, huyện An Minh, khoảng 200km. Theo thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 69,8km bờ biển bị sạt lở, trong đó khoảng 35km sạt lở đất nghiêm trọng. Sạt lở đã làm ảnh hưởng cuộc sống trên 500 hộ dân sinh sống và bị mất khoảng 600ha đất rừng phòng hộ.

Tình trạng sạt lở nhiều bắt đầu từ năm 1996, mỗi năm sạt lở vài chục mét tính từ bờ ra, nhưng đất vẫn bồi lại. Thế nhưng, từ năm 2010 đến nay, tình hình sạt lở nghiêm trọng hơn. Tính trung bình mỗi năm, sạt lở đã làm mất khoảng 20m. Sạt lở nhiều nhất đoạn từ Xẻo Quao đến rạch Tiểu Dừa thuộc địa bàn xã Vân Khánh, Vân Khánh Tây và Vân Khánh Đông.

Theo thông tin đăng trên báo Lao Động, Phó Chủ tịch UBND huyện An Minh Lê Ngọc Tùng cho biết, trên địa bàn huyện có 721 hộ nhận khoán 2.226ha đất rừng ven biển (được sử dụng 30% diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản). Thế nhưng, SL ngày càng nghiêm trọng khiến nhiều hộ không còn đất để sản xuất. Đến nay đã có khoảng trên 300ha rừng bị mất, có 38 hộ nhận khoán “mất trắng”. Huyện cũng chưa có giải pháp nào giúp người dân, chỉ vận động bà con di dời nhà cửa để tránh rủi ro.

Bên cạnh đó theo thông tin trên TTXVN, ông Trần Phi Hải, Giám đốc Ban quản lý rừng An Biên-An Minh, bản thân ông làm công việc quản lý, bảo vệ rừng từ năm 1992 trên địa bàn hai huyện An Biên-An Minh nên biết rất rõ nơi nào có rừng nhiều, cây lớn. Ấy vậy mà có nơi ngủ một đêm thức dậy kiểm tra lại không thấy cây rừng đâu nữa do bị sạt lở nhấn chìm theo cơn sóng biển, thấy mà đau xót.

Ông Hải cho rằng nguy hiểm nhất là vào mùa mưa bão như hiện nay, gió Tây Nam thổi mạnh gây sóng lớn, phá vỡ cấu trúc rừng phòng hộ, bóc dỡ các gốc cây lâu năm nên các đoạn bờ biển ngày càng xói lở nhiều hơn, thậm chí lấn sâu vào đất liền, đê biển, nhiều đoạn sạt lở đến đê quốc phòng. Trước tình hình sạt lở ngày càng nhiều, huyện An Minh thực hiện kè bằng phương pháp truyền thống, như tre, dừa, cây tràm, nhưng cũng bị sóng đánh vỡ.

Ngoài ra tại khu vực này, Trạm Biên phòng Kim Qui trước đây cách bờ biển khoảng 300m, nhưng đã bị sóng biển đánh sạt lở, phải dời vô chỗ hiện nay. Trạm phải bỏ 2 giếng khoan tay, bờ kè bằng đá cũng phải làm lại 2 lần do bị sóng đánh vỡ.

Bí thư Huyện ủy An Minh Võ Minh Lễ cho rằng, nếu không có biện pháp khắc phục, trong vòng 2 năm nữa toàn bộ diện tích rừng phòng hộ ven biển sẽ biến mất (đồng nghĩa với việc 2.226 hộ nhận khoán đất rừng sẽ lâm vào cảnh khó khăn). Nếu mất diện tích rừng, sóng biển sẽ ập vào tới đê Quốc Phòng và khả năng nước biển xâm nhập sâu vào đất sản xuất của người dân là rất cao. Hiện huyện vận động người dân sinh sống trong vùng SL dùng bao cát và vật dụng tự làm bờ kè nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản.

Còn theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm, việc xây dựng kè chỉ mang tính tạm thời. Tại những đoạn sạt lở nghiêm trọng như Tiểu Dừa, Xẻo Nhàu (huyện An Minh) về lâu dài cần có nguồn vốn đầu tư lớn xây dựng hệ thống kè cứng, gây bồi tạo bãi mới đảm bảo…

Hiện tại, UBND tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với UBND huyện An Minh và các đơn vị liên quan tiến hành xác định ranh giới khu vực sạt lở bờ biển; tiến hành lập dự án cấp bách gây bồi, tạo bãi, phục hồi rừng ngập mặn bảo vệ khu vực huyện An Minh và tạo sinh kế cho người dân ven biển, đổ trụ rỗng tiêu giảm sóng, gây bồi tạo bãi với chiều dài gần 4.000m, kinh phí gần 120 tỉ đồng.

Hồng Nhung (th)

Nguồn MT&CS: http://moitruong.net.vn/kien-giang-duong-bo-bien-sat-lo-nghiem-trong/