Kiên Giang dự trù tình huống dịch lây lan ra cộng đồng

Trong những ngày qua, dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều nước ở Đông-Nam Á. Kiên Giang là địa phương có đường biên giới trên bộ và biển với Campuchia, nên có nguy cơ rất lớn bị lây lan dịch Covid-19. Chính vì vậy, chính quyền tỉnh Kiên Giang đang nỗ lực đề ra nhiều biện pháp phòng, chống dịch.

Lực lượng chống xuất nhập cảnh trái phép tuần tra khu vực biên giới.

Lực lượng chống xuất nhập cảnh trái phép tuần tra khu vực biên giới.

Trong những ngày qua, dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều nước ở Đông-Nam Á. Kiên Giang là địa phương có đường biên giới trên bộ và biển với Campuchia, nên có nguy cơ rất lớn bị lây lan dịch Covid-19. Chính vì vậy, chính quyền tỉnh Kiên Giang đang nỗ lực đề ra nhiều biện pháp phòng, chống dịch.

Nguy cơ lây nhiễm cao

Chỉ trong 2 tuần gần đây, Campuchia có 4.832 trường hợp mắc mới, chủ yếu là lây nhiễm trong cộng đồng. Dịch đã lây lan ra 20/25 tỉnh, thành phố của nước này. Chính phủ Campuchia đã ra lệnh phong tỏa thủ đô Phnom Penh và phong tỏa cục bộ nhiều tỉnh, thành phố từ 0 giờ ngày 15 đến 28-4.

Kiên Giang có 12 huyện và ba thành phố có đường biên giới chung với Campuchia, tổng chiều dài 56 km, đường bờ biển dài hơn 200 km. Biển Kiên Giang có hơn 145 hòn đảo lớn nhỏ, với trên 63.000 km2 mặt biển, nhiều vùng nước lịch sử và có hàng nghìn tàu cá, của hai nước hoạt động mỗi ngày. Đặc biệt hai nước có một số hòn đảo nằm rất gần nhau. Kiên Giang có hai cửa khẩu đường bộ, năm cảng biển và hai cảng hàng không.

Theo thống kê, từ ngày 20-2 đến nay đã có hơn 1.340 người nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện sáu vụ nhập cảnh trái phép vào địa bàn tỉnh Kiên Giang với 160 đối tượng. Trong đó, có nhiều trường hợp xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi đã di chuyển sâu vào nội địa.

Thiết lập bệnh viện dã chiến

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp trong nước và trong khu vực, tỉnh Kiên Giang đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh như: Tăng cường kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở; bổ sung lực lượng cho các chốt kiểm soát. Hiện nay, tỉnh đã bố trí 128 chốt, tổ, có hơn 1.000 lượt chiến sĩ thường xuyên trực và luân phiên. Ngoài ra, trên biển còn có lực lượng tuần tra gồm có chín tàu và hai xuồng của Bộ đội Biên phòng, kiểm ngư, Cảnh sát biển.

Kiên Giang cũng tăng cường kiểm soát người và hàng hóa nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và cửa khẩu quốc gia Giang Thành, bảo đảm tất cả các trường hợp nhập cảnh phải được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19; Đầu tư xây dựng mới và mở rộng các khu cách ly tập trung hiện có tại TP Hà Tiên, nâng khả năng thu dung cách ly tập trung lên 2.350 người; kích hoạt các khu cách ly tập trung của các huyện, thành phố phía sau để sẵn sàng tiếp nhận cách ly tập trung trong tình huống người nhập cảnh với số lượng nhiều, vượt quá khả năng tiếp nhận của TP Hà Tiên.

Được biết, hiện tổng số người cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh Kiên Giang là 73 người, cách ly tại cơ sở y tế 22 người, cách ly tại nhà 37 người; trong đó, TP Hà Tiên cách ly tập trung 70 người, cách ly điều trị tại cơ sở y tế 13 người.

Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang Hà Văn Phúc cho biết, Kiên Giang đã thành lập Ban Điều hành phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hà Tiên do một đồng chí Phó Giám đốc Sở Y tế làm trưởng ban cùng với hai tổ chuyên môn trực tiếp hỗ trợ 24/24 cho TP Hà Tiên. Trong số 38 ca dương tính được cách ly, điều trị đã có 18 trường hợp khỏi bệnh trở về địa phương, năm trường hợp đủ tiêu chuẩn xuất viện nhưng đang được cách ly tập trung sau điều trị tại khu cách ly Pháo Đài, hiện còn 14 trường hợp đang điều trị tại Trung tâm Y tế Hà Tiên.

“Kiên Giang đã xây dựng kế hoạch thiết lập bệnh viện dã chiến tại TP Hà Tiên quy mô 300 - 500 giường với sự hỗ trợ của các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh. Tỉnh cũng đã chuẩn bị các điều kiện cơ bản như rà soát nguồn nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế... để sẵn sàng điều động, điều tiết từ các cơ sở y tế cho bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động”, ông Hà Văn Phúc cho biết thêm.

Theo đó, với sự hỗ trợ của các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm Y tế TP Hà Tiên sẽ thiết lập khu điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng đến rất nặng, quy mô 70 giường, đủ khả năng lọc máu và vận hành hệ thông ECMO. Ngoài ra, Kiên Giang đã xây dựng phương án sử dụng toàn bộ Trung tâm Y tế TP Hà Tiên để điều trị bệnh nhân Covid-19 khi cần thiết. Chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện để khánh thành Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang (mới) và lấy cơ sở cũ Bệnh viện đa khoa tỉnh làm bệnh viện dã chiến nêu diễn biến dịch phức tạp hơn.

Dư báo, trong thời gian tới kiều bào từ Campuchia sẽ tiếp tục trở về địa phương qua biên giới Campuchia với số lượng lớn. Ngoài hoạt động nhập cảnh qua cửa khẩu thì khả năng sẽ có nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở và qua các phương tiện vận chuyển trên biển. Vì vậy, hoạt động phòng, chống dịch tại các huyện, thành biên giới khó khăn chồng khó khăn. Tuy nhiên, hiện điều kiện làm việc của cán bộ, chiến sĩ ở các chốt biên phòng còn nhiều thiếu thốn, gặp khó trong làm việc, sinh hoạt.

Tỉnh Kiên Giang đã đề nghị Bộ Quốc phòng tăng cường lực lượng Bộ đội Biên phòng cho Kiên Giang; bổ sung các phương tiện thiết yếu cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để thực hiện nhiệm vụ trong đêm như ống nhòm, đèn pha, xe mô-tô, ca-nô… Xem xét, hỗ trợ ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế huyện Giang Thành và mua sắm thiết bị y tế, với kinh phí ước tính khoảng 350 tỷ đồng; hỗ trợ cho Kiên Giang hai máy Real time RT-PCR và vật tư, để xét nghiệm khẳng định Covid-19.

VIỆT TIẾN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/kien-giang-du-tru-tinh-huong-dich-lay-lan-ra-cong-dong-643138/