Kiên Giang: Bình đẳng giới tạo gia đình hạnh phúc

Hiện nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 182 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, gia đình hạnh phúc với hơn 4.600 thành viên; 79 Câu lạc bộ PCBLGĐ với 1.831 thành viên, 16 CLB gia đình phát triển bền vững với 416 thành viên tại 15/15 huyện, thành phố.

Phòng chống bạo lực gia đình có nhiều chuyển biến tích cực đã nâng cao nhận thức về đạo đức, lối sống góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống trong mỗi gia đình.

Trong năm 2020, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp đã chú trọng đổi mới về nội dung và hình thức trong tuyên truyền về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình bằng nhiều hình thức như: Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; lồng ghép phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới vào các cuộc họp, các chương trình, hoạt động của cơ quan, tổ chức; biên soạn, in ấn, cấp phát tài liệu tuyên truyền; tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; sinh hoạt các loại hình câu lạc bộ pháp luật ở cơ sở,...

Cùng với đó lồng ghép Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tô quốc”, “Phong trào phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội”, “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, “Bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm”; mô hình phát triển kinh tế, góp vốn xoay vòng, hỗ trợ nhau trong sản xuất góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng.

Cán bộ, hội viên, phụ nữ tỉnh tích cực xây dựng gia đình theo 04 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”, “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”, “Giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình ở khu vực nông thôn giai đoạn 2015 - 2020” và “Xây dựng gia đình nông dân văn hóa”. Qua đó đã nâng cao nhận thức đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam; tích cực tham gia phòng, chống các tệ nạn xã hội; giảm dần các vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em.

Công tác phòng chống bạo lực gia đình có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay toàn tỉnh có 32 câu lạc bộ với 762 thành viên tại huyện, thành phố; thành lập 02 mô hình địa chỉ tin cậy ở cộng đồng với 14 thành viên, nâng tổng số 196 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng với 2.001 thành viên; 47 đường dây nóng với 271 thành viên. Tổ chức thành lập và duy trì mô hình dịch vụ gia đình vơí103 Câu lạc bộ, tổ, nhóm có 1.072 thành viên tham gia đã tạo việc làm, ổn định cho các thành viên gia đình tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Trong năm 2021, cấp ủy, chính quyền các cấp cần có sự quan tâm đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý nhà nước về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình gắn việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp phát huy tốt vai trò chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; lồng ghép thực hiện công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và các phong trào, cuộc vận động khác.

Quan tâm tổ chức các hoạt động hội thi, liên hoan văn nghệ, thể thao, họp mặt, tọa đàm, giao lưu các gia đình văn hóa tiêu biểu. Thông qua hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ về gia đình góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng như: giảm dần các tệ nạn xã hội, tăng cường vai trò của gia đình trong giáo dục đạo đức lối sống; kịp thời động viên, cổ vũ người tốt, việc tốt trong thực hiện công tác gia đình và PCBLGĐ; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về gia đình, PCBLGĐ, phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, phòng, chống bạo hành trẻ em... cho lực lượng cán bộ làm công tác gia đình.

Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng về tầm quan trọng, vị trí và vai trò của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Giáo dục pháp luật về gia đình, kiến thức, kỹ năng tổ chức đời sống gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới.

Đề cao giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam phù hợp với đời sống văn minh, hiện đại; thực hiện các chính sách đặc thù nhằm tăng cường sự tham gia và thụ hưởng của phụ nữ trên các lĩnh vực của ngành, đơn vị; nhân rộng các mô hình thí điểm nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ ở đơn vị, địa phương phù hợp và hiệu quả.

Hỗ trợ và bảo vệ kịp thời nạn nhân bị bạo lực, xâm hại; xử lý các vụ bạo lực, quấy rối, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái; môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài, mua bán người,... xảy ra tại cơ quan, đơn vị. Phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ một cách thiết thực, hiệu quả và phù hợp với từng ngành, từng địa phương, nhóm đối tượng, trong đó chú trọng lồng ghép tuyên truyền về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong triển khai các nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ, tạo diễn đàn để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới.

Trương Anh Sáng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/kien-giang-binh-dang-gioi-tao-gia-dinh-hanh-phuc-83045