Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

Ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được khẳng định là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh chính trị và kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, tác động đáng kể đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu gần gấp đôi GDP và nguồn vốn FDI chiếm khoảng một phần tư tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Kiểm soát lạm phát nửa đầu năm 2018 là sự tiếp diễn xu thế đã bắt đầu từ năm 2012 và được khẳng định từ năm 2014 với CPI bình quân năm lần lượt là 9,21%; 6,6%; 4,09%; và thậm chí xuống mức 0,63% năm 2015 rồi tăng lên 2,66% năm 2016 và 3,53% năm 2017. Đây là kết quả tất yếu của các biện pháp kiềm chế lạm phát cao sau giai đoạn 2008-2011 theo tinh thần Nghị quyết 11/2012/NQ-CP của Chính phủ. Kể từ đó, bất kể tăng trưởng kinh tế xuống đáy 5,25% vào năm 2012 hay lên đỉnh cao nhất trong vòng 10 năm ở mức 6,81% năm 2017, Chính phủ đều kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát. Chính nhờ sự phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô cho nên lạm phát cơ bản tháng 7-2018 chỉ tăng 1,41% so với cùng kỳ năm trước, còn lạm phát cơ bản bình quân bảy tháng tăng 1,36% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Diễn biến lạm phát tính theo năm cho thấy bắt đầu từ đầu năm 2014, lạm phát đã bước vào ngưỡng ổn định dưới 5%.

Có thể nói, lạm phát ở nước ta đang trong giai đoạn ổn định ở mức vừa phải, nhờ cả các yếu tố chủ quan từ chính sách kinh tế vĩ mô lẫn yếu tố khách quan từ thị trường quốc tế. Xu thế này có thể tiếp diễn trong năm 2018 khi dự báo thị trường thế giới không có biến động quá lớn về giá và các chính sách kinh tế vĩ mô hàng đầu như chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều lấy ổn định, thận trọng làm phương châm chỉ đạo. Dĩ nhiên, giá dầu thô biến động quá mạnh do biến động địa chính trị thế giới có thể tác động mạnh tới lạm phát của Việt Nam nửa cuối năm 2018, vì vậy, cần có biện pháp ứng phó phù hợp để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm.

Giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế. Mặc dù thương mại thế giới có nhiều biến động bất thường, song qua bảy tháng đầu năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu vẫn đạt 133,69 tỷ USD, tăng 15,3%, trong khi kim ngạch hàng hóa nhập khẩu chỉ tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2017, cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư 3,1 tỷ USD. Cũng trong khoảng thời gian đó, vốn FDI thực hiện đạt 9,85 tỷ USD, tăng 8,8%, chưa kể còn có 3.311 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 4,79 tỷ USD, tăng tới 53,3% so với cùng kỳ năm 2017. Nhờ vậy, dự trữ ngoại hối liên tục thiết lập kỷ lục mới với hơn 60 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay - tạo ra thế và lực mới cho nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Thị trường vàng và ngoại tệ cơ bản ổn định nhờ quán triệt nguyên tắc điều hành chủ động và linh hoạt ứng phó với biến động trên thị trường quốc tế...

Như vậy, sự kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được thể hiện một cách nhất quán, phù hợp với diễn biến kinh tế tài chính trong nước và quốc tế nên đạt được nhiều kết quả rõ rệt, đồng thời tạo cơ sở tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Kinh tế vĩ mô ổn định là điều kiện quyết định để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của năm 2018 mà còn cả giai đoạn 2016-2020.

TS VŨ ĐÌNH ÁNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37298002-kien-dinh-muc-tieu-on-dinh-kinh-te-vi-mo.html