Kiên định mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế

Sáng 2-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư, một số địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian tới hết sức nặng nề, trong khi dư địa cho tăng trưởng hạn hẹp, cùng với đó là bối cảnh thế giới cực kỳ phức tạp, khó khăn đối với nước ta. Do đó, thời gian tới, Phó Thủ tướng kiến nghị cần tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh hoàn thiện các khung khổ cho tái cơ cấu, đẩy mạnh cải cách hành chính. Cần có chiến lược phát triển kinh tế khu vực động lực, phát triển kinh tế tư nhân; chú trọng liên kết vùng; cơ cấu lại thu chi ngân sách, các đơn vị sự nghiệp công. Trong quá trình này, cần phải coi khoa học công nghệ là yếu tố then chốt. Các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh không cần thiết; chủ động có đề án tái cơ cấu ở ngành, địa phương mình.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với sự cố gắng chung của cả hệ thống chính trị, điều hành của Chính phủ, chúng ta đạt nhiều kết quả tích cực trong tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian qua. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận, thời gian qua, một số bộ, ngành chưa ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 27 của Chính phủ; một số nhiệm vụ được giao về tái cơ cấu kinh tế thực hiện còn chậm, thậm chí xin lùi thời hạn; mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều vướng mắc; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém chưa đạt yêu cầu đề ra... Những tồn tại bất cập trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, cần nhìn nhận thẳng thắn để có giải pháp khắc phục. Nhiệm vụ chúng ta phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; cần phát huy vai trò định hướng, điều tiết của Nhà nước, nhất là giám sát quá trình tái cơ cấu; coi trọng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển.

Về giải pháp và định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, những biện pháp, mục tiêu, duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn, dài hơi hơn, chú trọng tìm động lực mới cho tăng trưởng trên cơ sở lưu ý tình hình mới, nhân tố mới. Nêu cao vai trò kinh tế tư nhân, hợp tác kinh tế quốc tế nhất là trong bối cảnh hội nhập; coi trọng vai trò vai trò khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, chiến lược thích ứng thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh việc chỉ đạo đồng bộ với phương châm “không để ai bị bỏ lại ở phía sau” thì phải tập trung cho các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển; quá trình công nghiệp hóa là quá trình đô thị hóa.

Thủ tướng yêu cầu chú ý khắc phục những tồn tại, bất cập, chấn chỉnh kỷ cương phép nước, đồng thuận trên dưới một lòng; thực hiện quy luật thị trường định hướng XHCN; tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục phấn đấu đưa môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam vào nhóm đầu ASEAN, hướng tới tiêu chuẩn OECD. Các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới cách nghĩ, cách làm; phải xác định công tác này là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành. Từ đó, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thực chất, hiệu quả hơn để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh. Đây cũng là yếu tố quyết định đưa nền kinh tế nước ta bước vào quỹ đạo phát triển bền vững, tránh tụt hậu. Nhấn mạnh tinh thần tuyệt đối không chủ quan với kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng cần bảo đảm tăng trưởng liên tục cao trong thời gian tới để tăng quy mô nền kinh tế, giải quyết việc làm, có tích lũy cần thiết để phát triển đất nước.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tích cực hơn nữa, giúp Thủ tướng đôn đốc phối hợp giữa các bộ, ngành, thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, để chủ trương tái cơ cấu đi vào cuộc sống mạnh mẽ hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ hoàn thiện khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành xây dựng bộ chỉ tiêu chi tiết giám sát, đánh giá cho từng đề án do bộ, ngành được Chính phủ giao quản lý, tổ chức thực hiện. NHNN chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản xử lý các vướng mắc liên quan trong quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Bộ Công thương có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân lớn đầu tư dài hạn; tạo dựng sản phẩm, thương hiệu cạnh tranh trong nước và quốc tế; xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghiệp hỗ trợ trong năm 2019…

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh các cấp, ngành, địa phương cần kiên trì, kiên định thực hiện tốt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chất lượng tăng trưởng đã có cải thiện rõ rệt; năng suất lao động xã hội năm 2017 tăng khoảng 6%, cao hơn mức tăng năm 2016 (5,31%) và cao hơn đáng kể trung bình giai đoạn 2011-2015 (4,35%), đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 27 của Chính phủ (5,5-6% hàng năm). Nếu loại trừ ngành khai khoáng, thì tốc độ tăng năng suất lao động tăng từ 3,8% năm 2011 lên 7,1% năm 2017. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đã tăng từ 33,58% giai đoạn 2011-2015 lên 45,19% giai đoạn 2015-2017 (năm 2017, TFP đóng góp 44,13% vào tăng trưởng).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chất lượng tăng trưởng đã có cải thiện rõ rệt; năng suất lao động xã hội năm 2017 tăng khoảng 6%, cao hơn mức tăng năm 2016 (5,31%) và cao hơn đáng kể trung bình giai đoạn 2011-2015 (4,35%), đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 27 của Chính phủ (5,5-6% hàng năm). Nếu loại trừ ngành khai khoáng, thì tốc độ tăng năng suất lao động tăng từ 3,8% năm 2011 lên 7,1% năm 2017. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đã tăng từ 33,58% giai đoạn 2011-2015 lên 45,19% giai đoạn 2015-2017 (năm 2017, TFP đóng góp 44,13% vào tăng trưởng).

HÀ THANH GIANG - Ảnh: TRẦN HẢI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37196002-kien-dinh-muc-tieu-co-cau-lai-nen-kinh-te.html