Kiện con gái đòi bài vị, hũ cốt: Khó nói trộm

Luật sư cho rằng việc người con gái lấy bài vị, tro cốt của ông bà nội trên chùa khó bị coi là hành vi trộm cắp.

Mới đây TAND quận 2, TP.HCM vừa xử sơ thẩm vụ ông LVT (ngụ quận 9, TP.HCM) kiện đòi con gái ruột là bà A. phải trả lại tài sản là hũ tro cốt và bài vị của cha mẹ ông (tức ông bà nội của bị đơn - PV) và phải xin lỗi công khai ông.

Theo nội dung đơn khởi kiện, ông T cho rằng ông là người thừa kế duy nhất của cha mẹ mình. Sau khi cả cha và mẹ mất thì ông đã dùng phương pháp hỏa táng và đem hũ tro cốt gửi thờ tại một ngôi chùa ở TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Tháng 9/2018, con gái ông là bà A. đã đến ngôi chùa này tìm cách lấy hũ tro cốt và bài vị của cha mẹ ông. Sau đó, trụ trì chùa phát hiện, báo lại vụ việc cho ông. Biết chuyện, ông T. đã yêu cầu người con gái phải trả lại các di vật này nhưng bà A. không trả.

Sau nhiều lần đòi lại không được, ông T. đã làm đơn tố cáo đến cơ quan công an, yêu cầu xử lý người con gái. Tuy nhiên, công an đã hướng dẫn ông khởi kiện tại tòa với lý do đây là tranh chấp dân sự liên quan đến việc thờ cúng trong gia đình.

Nhận định về sự việc trên, Luật sư Phạm Anh Tuấn (Đoàn luật sư Hà Nam) cho biết: "Trong bộ luật dân sự cũng quy định chưa rõ ràng về việc xâm phạm hài cốt mồ mả.

Được biết quy định này được biên soạn vào năm 2005, thời điểm đó phương thức hỏa táng người mất chưa phổ biến như bây giờ, chủ yếu là mồ mả chôn nên có quy định về xâm phạm mồ mả hài cốt.

Trường hợp trên để xác định người con gái lấy tro cốt thì cần nhiều chứng cứ chứng minh như việc nhà chùa xác nhận bằng gì để chứng minh việc tro cốt ấy đang là quản lý của nhà chùa, hay người bố gửi tro cốt lên chùa có giấy tờ nào để xác minh hay không. Ngoài ra cũng cần làm rõ mục đích của người con gái lấy tro cốt về để thờ phụng hay nhằm mục đích khác".

Ông T., nguyên đơn trong vụ án.

Ông T., nguyên đơn trong vụ án.

Theo luật sư Tuấn, sự việc trên nên giải quyết theo nội bộ, hòa giải sẽ tốt hơn. Mục đích chung của cả hai đều là thờ cúng theo tín ngưỡng. Không nên đưa ra xử lý về mặt pháp lý, nếu đưa ra xét xử các đơn vị cức năng đa phần sẽ xử lý theo hướng hòa giải là chính.

Trước băn khoăn rằng hành động lấy tro cốt của ông bà trong trường hợp trên có phải thuộc hành vi trộm cắp không/, luật sư Tuấn khẳng định không thể nói người đó trộm cắp được vì hài cốt trong bộ luật dân sự không được định nghĩa là tài sản.

Có quy định của luật hình sự về xâm phạm mồ mả như đào bới, khai quật, lấy trộm tử thi, xương cốt nhưng rõ ràng ở đây họ không có hành vi phá phách. Họ chỉ di chuyển từ điểm này sang điểm khác.

Hơn nữa nếu nói ông bố toàn quyền được giữ hài cốt là không đúng vì chưa có luật nào quy định điều đó cả.

"Quan điểm của tôi vẫn là hai bên vẫn nên ngồi lại với nhau để tìm được tiếng nói chung. Ông cụ cũng không còn nhiều tuổi, con cái nên chăm sóc tốt cho bố mẹ khi họ còn sống. Đến khi mất đi làm mâm cao cỗ đầy bố mẹ cũng không nhận được. Lúc sống không chăm được đến lúc mất lại xảy ra chuyện tranh giành xương cốt" -luật sư Tuấn nêu quan điểm.

Đồng tình trước quan điểm trên, luật sư Nguyễn Văn Tú (Giám đốc Công ty Luật Fanci) cũng cho rằng để nói người con có hành vi trộm cắp tro cốt là rất khó bởi tro cốt không phải là tài sản. Hơn nữa hành vi trộm cắp trong đời thường và trong luật pháp sẽ khác nhau. Với trường hợp này người dân sẽ gọi là trộm cắp nhưng không có căn cứ trong luật pháp.

Theo bộ luật hình sự có quy định về xâm phạm mồ mả. Tuy nhiên tro cốt ở đây không phải mồ mả hay thi thể, vì thế sự việc này nên dùng cơ chế hòa giải trong cộng đồng như dòng họ, tôn giáo, phong tục tập quán.

Theo luật sư Tú, tình hình hiện nay số lượng người dân gửi tro cốt lên chùa khá đông. Nếu không quản lý chặt chẽ sẽ xảy ra những trường hợp tương tự như trường hợp trên. Từ vụ việc này, pháp luật nước ta nên có một quy định, rõ ràng hơn về vấn đề quản lý tro cốt.

Được biết trong vụ việc trên, theo lời khai của bà A. thì bài vị được thủy táng ở sông Đồng Nai và ông T. không có chứng cứ gì chứng minh được những di vật này đang tồn tại và đang được bị đơn chiếm giữ. Vì thế, trong trường hợp này, vật tranh chấp được coi là không còn tồn tại. Vì vậy, HĐXX cho rằng yêu cầu trả lại tài sản là bài vị của ông T. là không phù hợp.

HĐXX cho rằng không có đủ cơ sở, chứng cứ để buộc bà A. phải công khai xin lỗi vì đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Thu Thanh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/phap-dinh/kien-con-gai-doi-bai-vi-hu-cot-kho-noi-trom-3400064/