Kiến ba khoang độc tố mạnh gấp 15 lần rắn hổ mang 'đổ bộ' Hà Nội

Trong những ngày vừa qua, người dân ở nhiều khu chung cư Hà Nội khổ sở vì bị kiến ba khoang tấn công khiến cuộc sống bị đảo lộn. Nhiều cư dân dù sống ở tầng khá cao vẫn bị kiến 'hỏi thăm'. Nhiều người không biết rằng,trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố, độc tính mạnh gấp 12 – 15 lần nọc của rắn hổ mang.

Kiến ba khoang tấn công dân cư Hà Nội

Kiến ba khoang tấn công dân cư Hà Nội

Độc tố Pederin của kiến ba khoang mạnh gấp 12 – 15 lần nọc của rắn hổ mang

Chị Ngọc Hân ở chung cư Hateco Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây, gia đình chị khổ sở khi phải tìm cách đối phó với kiến ba khoang.

"Tôi ở tầng 25 nhưng cứ tối đến là kiến ba khoang xuất hiện rất nhiều, bám dày đặc trên cửa kính ban công, bò vào ghế sofa, sàn nhà, làm mọi cách không đỡ. Để đối phó lại đàn kiến chỉ có đóng cửa vào nhưng lại rất nóng nực, bí bách lắm. Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều nhà cũng bị như vậy", chị Hân nói.

Theo chị Hân, gia đình chị dùng tinh dầu xả, thuốc xịt kiến ba khoang, thậm chí trồng cả sả nhưng đều vô ích. Những hôm nào gió mát, kiến ba khoang xuất hiện rất nhiều theo hướng gió.

"Cả 2 vợ chồng tôi và cháu nhỏ 10 tháng tuổi bị kiến tấn công sưng phồng hết cả mặt mũi, tay chân. Người lớn khi bị kiến tấn công còn khó chịu huống hồ trẻ nhỏ. Cháu nhà tôi bị lở loét khắp người, nặng nhất ở 2 bên nách, cổ, chân, mông và vùng bẹn, thậm chí cả trên đầu. Hai hôm đầu cháu ngứa ngáy khó chịu khóc suốt cả đêm", chị Hân kể.

Tương tự, chị Hoa ở Cầu Diễn cũng cho biết, quanh nhà chị, xung quanh là cánh đồng, hồ nước nên kiến ba khoang xuất hiện rất nhiều. “Người dân ở đây phải góp tiền phun thuốc và lắp lưới chống côn trùng nhưng vẫn không đỡ, kiến vẫn xuất hiện. Gia đình tôi phải mang con đi gửi ông bà, có nhà mang con đến nhà người thân sống tạm ít ngày", chị Hoa nói.

TS. BS Lê Ngọc Duy, Trung tâm cấp cứu và chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, những ngày qua Hà Nội xuất hiện rải rác các ca viêm da tiếp xúc với côn trùng, trong đó gặp nhiều ở trẻ em bị kiến ba khoang đốt.

Trong trường hợp này, nếu xử lý đúng cách sẽ giảm tổn thương bỏng rát do độc tố kiến ba khoang gây ra.

TS. BS Lê Ngọc Duy cho biết, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12 – 15 lần nọc của rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Chất này chủ yếu gây bỏng da có thể nhầm với tổn thương trong bệnh zona thần kinh.

Kiến 3 khoang đang hoành hành ở nhiều chung cư Hà Nội. Ảnh minh họa: Vietnammoi

Cách nhận biết vết thương do kiến ba khoang đốt với những đặc điểm sau:

- Tổn thương thường xuất hiện ở các vùng da hở trên cơ thể như mặt, hai tay.

Không nghiền nát, chà xát kiến khi thấy nó xuất hiện trên thân mình để tránh độc tố tiết ra.

- Vết thương thành vệt dài hoặc thành đám. Ban đầu là những nốt ban đỏ rồi sưng lên thành mụn mủ có điểm lỏm màu trắng vàng ở giữa.

- Nếu không giữ gìn cẩn thận có thể bị loét, làm rỉ dịch.

- Thường đau rát, ngứa ngáy khó chịu, một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân.

Làm gì khi bị kiến ba khoang đốt?

Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, điều đầu tiên mọi người cần làm khi bị kiến ba khoang đốt là lấy nước sạch mát rửa chỗ kiến đốt rồi cho xà phòng vào rửa cùng. Khi rửa, bạn phải hết sức nhẹ nhàng nếu không sẽ làm trầy xước hoặc vỡ vết thương.

Sau đó, hãy nhanh chóng bôi hồ nước (có bán ở các hiệu thuốc).

Những ngày sau đó, tùy vào mức độ bị kiến đốt bạn có thể sử dụng một số loại thuốc dưới đây bên cạnh việc bôi hồ nước đều đặn:

- Nốt ban đỏ bị chuyển sang nốt mụn mủ, phồng rộp lên: Bạn nên dùng thêm mỡ Oxyde kẽm, mỡ kháng sinh để bôi lên da.

- Nếu vết đốt có dấu hiện lở loét, nhiễm khuẩn, bị rỉ mủ: Bạn bôi thêm dung dịch xanh metilen 1% và để yên tâm bạn nên đến các cơ sở Y tế để khám và điều trị kịp thời.

Mỗi ngày bạn nên bôi thuốc thành 2 lần, trước khi bôi bạn rửa sạch vết thương với nước muỗi loãng (có bán ở các hiệu thuốc).

Một số lưu ý khi bị kiến ba khoang đốt

- Không nghiền nát, chà xát kiến khi thấy nó xuất hiện trên thân mình để tránh độc tố tiết ra.

- Khi bị dính chất độc, tránh gãi hay chà mạnh vùng da bị tổn thương. Không tiếp xúc các vùng da lành với nơi bị dính độc tố.

- Rửa sạch vết thương (nhất là ở vùng mắt) càng nhanh càng tốt khi bị dính chất độc, bôi thuốc, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

- Bàn tay nếu lỡ đập chết kiến ba khoang cần rửa sạch bằng xà phòng, càng sớm càng tốt, để tránh độc tố kiến dính vào.

- Khi da bị tổn thương tấy đỏ, lan rộng phải đi khám, không nên tự ý mua thuốc điều trị, bởi trong các loại thuốc bôi ngoài da có chứa Corticoid, chất giải độc tố… nên cần có bác sĩ chỉ định mới được dùng.

Phòng tránh bị kiến ba khoang đốt

- Vệ sinh phòng ở sạch sẽ, thoáng mát.

- Buổi tối nên tắt các bóng điện có ánh sáng xanh, tím (bóng điện huỳnh quang, bóng tuyp…) thay vào đó là bóng điện có ánh sáng đỏ, vàng (đèn dây tóc).

- Trước khi đi ngủ, nên kiểm tra kĩ giường gối, chăn chiếu. Trước khi mặc quần áo cần giũ sạch xem có kiến ba khoang hay không.

Theo bác sĩ, viêm da do kiến 3 khoang thường khỏi nhanh trong vòng 1 tuần nếu xử trí đúng cách. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên rửa nhẹ nhàng tại nơi tiếp xúc bằng nước muối sinh lý (9‰) ngay lúc vừa tiếp xúc để trung hòa hoặc giảm bớt các yếu tố dị ứng, kích ứng da, sau đó đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.

Nguyệt Thư

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/kien-ba-khoang-doc-to-manh-gap-15-lan-ran-ho-mang-do-bo-ha-noi-89772.html