Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật: Coi trọng phản ánh của người dân, doanh nghiệp

Là một trong ba phương thức kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo quy định hiện hành, phương thức kiểm tra VBQPPL theo các nguồn thông tin có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Đây có thể coi là phương thức dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân, là một hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước.

Một buổi họp của cán bộ Phòng Xây dựng và kiểm tra VB địa phương. Ảnh minh họa.

Góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào pháp luật

Sở dĩ nhận định như trên là bởi phương thức này được diễn ra sau khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, công dân, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về VBQPPL có dấu hiệu trái pháp luật. Phương thức kiểm tra VBQPPL theo nguồn thông tin còn được thực hiện đối với các VB có chứa QPPL ban hành không đúng hình thức, thẩm quyền quy định tại điểm d khoản 1 Điều 103 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Với đặc điểm đa dạng và phạm vi hoạt động rộng lớn, các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ có tác động tích cực tới hoạt động soạn thảo, ban hành và kiểm tra, giám sát VBQPPL.

Ngoài ra, dưới góc độ kiểm tra VBQPPL theo các nguồn thông tin, Nghị định 34 còn có quy định về việc sử dụng cộng tác viên kiểm tra VBQPPL tại khoản 1 Điều 176. Theo đó, đội ngũ cộng tác viên kiểm tra VBQPPL cũng được xem là một chủ thể cung cấp thông tin kiểm tra VBQPPL hữu hiệu, bởi đội ngũ này làm việc ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Kiểm tra VBQPPL theo các nguồn thông tin ngày càng phát huy và khẳng định vai trò đối với công tác hoàn thiện pháp luật cũng như bảo vệ lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân. Hiện nay, người dân và doanh nghiệp rất quan tâm đến hình thức kiểm tra VBQPPL này, coi đây là một “kênh” để phản ánh những vướng mắc, những dấu hiệu trái pháp luật của VBQPPL, là “kênh” để thông qua đó yêu cầu cơ quan nhà nước hủy bỏ các quy định trái pháp luật nhằm khắc phục việc thực hiện những quy định trái pháp luật gây ra những thiệt hại cho cá nhân hay doanh nghiệp.

Có thể điểm lại rất nhiều vụ điển hình như phản ánh của doanh nghiệp về Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP; phản ánh của công dân về Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, về Thông tư số 52/2017/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú… Không quá khi đánh giá rằng việc triển khai thực hiện tốt phương thức này góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào pháp luật, vào các cơ quan công quyền.

Bảo đảm “nuôi dưỡng” nguồn thông tin

Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động kiểm tra VBQPPL theo các nguồn thông tin còn nhiều hạn chế, bất cập. Pháp luật đã quy định rõ các chủ thể có thẩm quyền kiểm tra VBQPPL nhưng cơ quan, tổ chức, công dân dường như chỉ phản ánh về VBQPPL có dấu hiệu trái pháp luật thông qua Bộ Tư pháp. Nhờ đó, Bộ Tư pháp đã tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện nhiều VBQPPL trái pháp luật, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tự kiểm tra, xử lý. Còn lại, tại các bộ, ngành, địa phương, qua theo dõi báo cáo hàng năm về công tác kiểm tra thì hầu như không thấy “bóng dáng” kiểm tra VBQPPL theo các nguồn thông tin.

Tại Bộ Tư pháp, việc kiểm tra VBQPPL theo các nguồn thông tin ngày càng được Bộ chú trọng triển khai, trong những năm qua đã tiếp nhận và kiểm tra nhiều VBQPPL từ các nguồn thông tin. Ý thức được tầm quan trọng của phương thức kiểm tra VBQPPL này, từ năm 2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định 2313/QĐ-BTP ban hành Quy chế tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ công tác kiểm tra VBQPPL của Bộ Tư pháp. Việc ban hành Quy chế là nền tảng quan trọng để việc tổ chức kiểm tra VBQPPL theo các nguồn thông tin tại Bộ Tư pháp đi vào nền nếp, bước đầu đáp ứng yêu cầu của công tác này trong giai đoạn hiện nay.

Đặc biệt, việc tiếp nhận nguồn tin, tổ chức kiểm tra và phát hiện chính xác nội dung trái pháp luật, kiến nghị xử lý kịp thời, đúng thời điểm đã được đông đảo quần chúng nhân dân và các phương tiện thông tin truyền thông hoan nghênh và đồng tình ủng hộ. Mặc dù vậy, Bộ Tư pháp thẳng thắn cho biết việc kiểm tra VBQPPL theo các nguồn thông tin vẫn chưa có hệ thống và tổ chức rõ nét, tính chất xử lý theo từng vụ việc, việc thống kê số liệu chưa rõ ràng, chưa đầy đủ…

Để nâng cao hiệu quả công tác này trên thực tế, chuyên gia Dự án USAID/GIG Mạc Thị Hoa – nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) kiến nghị phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như đổi mới nhận thức về kiểm tra, xử lý VBQPPL; tiếp tục hoàn thiện thể chế về kiểm tra VBQPPL theo các nguồn thông tin… Đáng chú ý, để “nuôi dưỡng” nguồn thông tin, cần bảo đảm sự tham gia ngày càng rộng rãi của các tổ chức, các phương tiện thông tin đại chúng và mọi tầng lớp nhân dân vào quá trình kiểm tra, phát hiện và kiến nghị xử lý VBQPPL có dấu hiệu trái pháp luật.

Chẳng hạn như tăng cường tuyên truyền, phổ biến để mọi tầng lớp nhân dân biết và nhận thức đúng vai trò của mình trong công tác kiểm tra nói, xử lý VBQPPL trái pháp luật; khen thưởng, động viên phù hợp xứng đáng cho cá nhân, tổ chức phát hiện những sai sót, trái pháp luật của VBQPPL. Cơ quan kiểm tra thì có thể lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh; có trách nhiệm kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị xử lý khi nhận được thông tin về VBQPPL có dấu hiệu trái pháp luật từ các nguồn thông tin.

Phạm Văn Dùng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/kiem-tra-van-ban-quy-pham-phap-luat-coi-trong-phan-anh-cua-nguoi-dan-doanh-nghiep-404940.html