Kiểm tra trực tuyến cuối học kỳ II: Để không phát sinh lỗi kỹ thuật

Từ ngày 17/5, các trường THCS, THPT ở Đà Nẵng tiến hành kiểm tra cuối kỳ II bằng hình thức trực tuyến.

Phần giao bài và dặn dò của GV khi nhận đề kiểm tra bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: Trường THPT Trần Phú cung cấp

Phần giao bài và dặn dò của GV khi nhận đề kiểm tra bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: Trường THPT Trần Phú cung cấp

Các trường đã cho HS làm bài kiểm tra thử để làm quen với quy trình, rà soát điều kiện kỹ thuật để có điều chỉnh phù hợp, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của HS. Với những em không có điều kiện tham gia, nhà trường tổ chức kiểm tra trực tiếp tại trường.

Kiểm tra thử, điều chỉnh thật

Ngày 17/5, Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức cho HS khối 6, 7, 8 kiểm tra thử theo hình thức trực tuyến bằng phần mềm Microsoft Teams. Từ đây, nhà trường phát hiện một số lỗi kỹ thuật cần điều chỉnh.

Cô Nguyễn Thị Minh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Dù đã cài đặt giờ “bung đề” theo mốc thời gian thống nhất nhưng trên thực tế, giờ nhận đề của mỗi lớp có sự lệch nhau. Nguyên nhân có thể do tốc độ đường truyền không bảo đảm. Từ lớp đầu tiên nhận đề cho đến lớp cuối của cùng một khối lệch nhau khoảng 10 phút. Chính vì vậy, nhà trường điều chỉnh ngay việc cài giờ. Cụ thể, giờ nhận đề sẽ cài đặt lệch nhau khoảng 2 - 3 phút giữa các lớp. Giờ thu bài của HS cũng cài đặt thêm khoảng 5 - 7 phút để các em có thêm thao tác chụp ảnh gửi lên phần mềm với bài thi trắc nghiệm. Hệ thống sẽ lưu lại thời gian gửi bài làm của từng em.

Ngoài ra, chất lượng thiết bị đầu cuối của một số HS không bảo đảm để tham gia kiểm tra trực tuyến. Tình trạng load chậm, nghẽn mạng đã ảnh hưởng đến quá trình làm bài kiểm tra thử của một số HS. Theo cô Minh, nhà trường sẽ có thêm 2 ngày triển khai kiểm tra thử. Nếu chất lượng kết nối mạng Internet của những em này vẫn không ổn sẽ tư vấn cho phụ huynh đăng ký kiểm tra trực tiếp.

Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức kiểm tra thử cho 2 khối lớp 10 và 11 ở 2 môn Toán và Hóa. Phần trắc nghiệm, HS làm trực tiếp trên ứng dụng Microsoft Teams. Nhưng đến phần tự luận có “sự cố”.

Cô Hồ Thị Thảo Nguyên – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Phần thi tự luận, với các môn Toán, Vật lý, Hóa. Sinh học, vì có hình vẽ, đồ thị… nên HS làm ở giấy, chụp lại và nộp bài cũng trên phần mềm này. Tuy nhiên, do HS đồng loạt gửi bài thi lên hệ thống cùng một lúc nên bị nghẽn, không thể gửi được. Phần mềm thi thì hết giờ là sẽ tự khóa. Vì vậy, nhà trường điều chỉnh phần tự luận theo dạng điền khuyết. HS làm trực tiếp vào phần mềm, sẽ thuận tiện hơn nhiều. Đề kiểm tra các môn này vì vậy phải thiết kế lại câu hỏi phần tự luận.

Trường THPT Phan Châu Trinh đến ngày ngày 22/5 mới tổ chức kiểm tra cuối học kỳ II. Theo thầy Nguyễn Quang Hưng – Hiệu trưởng nhà trường, số HS của trường khoảng 2.400 em cho 2 khối lớp 10 và 11 nên nhà trường đã đề nghị VNPT nâng cấp đường truyền để không bị nghẽn mạng. Sau đó, tiến hành tập huấn cho GV và tổ chức cho HS làm quen để rà soát khâu kỹ thuật, khắc phục các lỗi phát sinh trước khi tiến hành kiểm tra.

Danh sách HS đang làm bài kiểm tra, HS nào không tham gia sẽ được báo cho GV chủ nhiệm và phụ huynh biết. Ảnh: Trường THPT Trần Phú cung cấp

Bảo đảm chất lượng bài kiểm tra

Theo dự kiến, Trường THCS Lý Thường Kiệt ra đề kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm 100%. HS sẽ làm bài, nộp bài trực tiếp trên ứng dụng. Tuy nhiên, nhà trường đã có điều chỉnh cấu trúc đề để phân hóa đối tượng. Ngoài môn Tiếng Anh sẽ thực hiện 100% trắc nghiệm, các môn còn lại, đề thi sẽ có 9 điểm trắc nghiệm và 1 điểm tự luận.

Thầy Nguyễn Quang Hưng cho rằng đề thi phải phân hóa HS theo ma trận đề mà Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã hướng dẫn. “Với một đề thi, nếu HS không tập trung làm bài sẽ không thể giải quyết hết nội dung đề. Trong thiết kế giấy kiểm tra phần tự luận của nhà trường, mỗi trang đều có họ tên của HS. Khi chụp ảnh, phải có họ tên đi kèm nên cũng không thể làm giùm, làm hộ được. Với cấu trúc đề vừa có tự luận vừa có trắc nghiệm, cùng với sự hỗ trợ ghi hình của phần mềm và niềm tin vào sự trung thực của HS, chúng tôi tin tưởng bài kiểm tra cuối kỳ II theo hình thức trực tuyến có thể tin cậy được” – thầy Hưng chia sẻ.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Đà Nẵng, bậc THCS, khối lớp 6 có 16.621/18.725 HS đăng ký kiểm tra trực tuyến, đạt 88,8%; khối lớp 7 có 16.084/17.851 HS, đạt 90,1%; khối lớp 8 có 15.912/16.773 HS đạt 94,9%. Có khoảng 5.000 HS bậc THCS đăng ký thi trực tiếp, chiếm số lượng lớn ở các trường THCS thuộc quận Sơn Trà và huyện Hòa Vang. Như Trường THCS Phạm Ngọc Thạch (quận Sơn Trà) chỉ có 16,4% học sinh tham gia kiểm tra trực tuyến.

Đối với bậc THPT, khối lớp 10 có 11.387/11.416 HS đăng ký kiểm tra trực tuyến đạt 99,7%; khối lớp 11 có 10.887/10.904 HS đạt 99,8%. Chỉ có 46 học sinh đăng ký thi trực tiếp, trong đó Trường THPT Hermann Gmeiner 20 học sinh, THPT Tôn Thất Tùng 6 học sinh, THPT Thanh Khê 3 học sinh, THPT Nguyễn Thượng Hiền 4 học sinh…

Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng thông tin: Sau khi tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến, các HS không thể tham gia kiểm tra, đánh giá bằng hình thức này như không có thiết bị, trong khu vực phong tỏa, chưa hết thời gian cách ly, gặp sự cố đường truyền khi làm bài kiểm tra… nhà trường rà soát, lập danh sách, xây dựng kế hoạch kiểm tra theo hình thức trực tiếp tại trường. Thông báo cụ thể danh sách và lịch kiểm tra để HS tham gia đầy đủ, đúng quy định. Trong quá trình kiểm tra theo hình thức trực tiếp, nhà trường nghiêm túc thực hiện các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/kiem-tra-truc-tuyen-cuoi-hoc-ky-ii-de-khong-phat-sinh-loi-ky-thuat-qb1J0z3Gg.html