Kiểm tra thực hiện cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại Thừa Thiên - Huế

Ngày 1/8, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' do bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế; kiểm tra tình hình bán hàng Việt tại siêu thị Co.opmart Huế.

Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo CVĐ Trung ương kiểm tra tình hình phân phối, tiêu thụ hàng Việt và sản phẩm địa phương tại siêu thị Co.opMart Huế. Ảnh: baothuathienhue.vn

Thay mặt đoàn công tác, bà Nguyễn Thị Tuyết đánh giá cao công tác tuyên truyền, vận động và chỉ đạo chặt chẽ của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là định hướng phát triển chuỗi giá trị, liên kết chuỗi sản xuất của địa phương. Trao đổi về tỉ lệ sản phẩm địa phương mới chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng số sản phẩm được bày bán tại siêu thị Co.opmart Huế, bà Nguyễn Thị Tuyết cho rằng: Thừa Thiên - Huế có nhiều đặc sản nhưng chưa được chú trọng đầu tư để có thể hội nhập thị trường. Vì vậy, tỉnh cần hướng dẫn các hộ dân, cơ sở kinh doanh đăng ký sản phẩm, bao bì, tạo dựng thương hiệu để người tiêu dùng có thể ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam nói chung và hàng địa phương nói riêng có chất lượng.

Qua 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kiểm tra, xử lý 347 vụ kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm; xử phạt vi phạm hành chính gần 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp các đơn vị kiểm tra và xử lý 32 vụ, xử phạt vi phạm hành chính gần 80 triệu đồng, tịch thu hàng hóa có giá trị gần 900 triệu đồng. Ngoài ra, hằng năm, tỉnh Thừa Thiên - Huế đều tổ chức Hội chợ Xuân với 140 gian hàng Việt, thu hút trên 7.000 lượt khách mua sắm. Tại các hội chợ, sức mua của người tiêu dùng khá tốt với giá trị giao dịch ước đạt gần 600 triệu đồng/phiên chợ...

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; trong khi việc xây dựng và phát triển hệ thống phân phối đòi hỏi phải có chiến lược cao và vốn đầu tư lớn.

Để khắc phục khó khăn này, bà Nguyễn Thị Tuyết cho rằng các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã cần liên kết đảm bảo quy trình sản xuất và liên kết đầu vào – ra cho các sản phẩm ở địa phương.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến năm 2020, thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh chiếm trên 80% tại các kênh phân phối; 100% các huyện, thị xã và thành phố Huế có điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”...

Mai Trang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/kiem-tra-thuc-hien-cuoc-van-dong-uu-tien-dung-hang-viet-nam-tai-thua-thien-hue-20180801191600325.htm