Kiểm tra thông tin liên quan đến Tết cổ truyền của người H'Mông

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có Công văn số 22/VHCS-NSVH gửi Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình, Sở VHTTDL tỉnh Sơn La đề nghị kiểm tra thông tin trên báo liên quan đến Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc H'Mông.

Mâm cỗ mời khách đón tết cùng gia đình của người H'Mông ở Vân Hồ.

Mâm cỗ mời khách đón tết cùng gia đình của người H'Mông ở Vân Hồ.

Tết của người H’Mông diễn ra trước Tết Nguyên đán một tháng. Tết của người H'Mông cũng có một số tục lệ gần giống người Kinh như: không quét, đổ rác ra ngoài nhà trong ba ngày đầu năm, trang trí nhà cửa sặc sỡ, mừng tuổi trẻ nhỏ... Điểm khác biệt người Kinh là các bữa ăn ngày Tết không có rau canh, chỉ có thịt lợn, thịt gà. Ngày mồng một, phụ nữ không được cầm kim chỉ, con gái không phải làm việc gì trong ba ngày Tết, chỉ đi chơi, đi hát trong các lễ hội.

Từ ngày 27, 28 âm lịch, nhiều gia đình trong bản đã bắt đầu giết lợn, chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để đón năm mới sang. Và ngày 30 là ngày có thể coi là quan trọng nhất với rất nhiều nghi lễ truyền thống của người H’Mông.

Trên ban thờ của người H’Mông, những tờ giấy lễ của năm cũ được tháo bỏ và dán lên giấy mới. Được biết, mỗi dòng họ khác nhau sẽ có cách trang trí bàn thờ, dán giấy lễ khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các gia đình người H’Mông đều sử dụng một loại giấy trắng đặc biệt được làm bằng cây tre, cây nứa.

Bàn thờ suốt những ngày Tết luôn được thắp đèn, thắp nhang liên tục tạo nên sự ấm cúng trong căn nhà những ngày Tết.

Không chỉ có thế, một trong những nghi lễ đón Tết cổ truyền đặc biệt của đồng bào dân tộc H’mông ấy là cúng gà. Chủ nhà bắt con gà đang sống, mang lên trước bàn thờ, xin phép và mời tổ tiên ông bà về đón Tết cùng con cháu.

Sau đó, chủ nhà tự tay cắt tiết gà ngay trước bàn thờ. Những chiếc lông gà được dán lên giấy đặt sẵn trên bàn thờ. Việc làm này theo như chia sẻ của họ là để mọi người trong nhà sẽ được kiểm soát và bảo vệ bởi các thế hệ đi trước, công việc làm nương làm rẫy được an toàn và thuận lợi hơn.

Những ngày Tết, đàn ông H’Mông sẽ là người chăm lo hương khói cho Tổ tiên và tiếp đón khách. Còn người phụ nữ H’Mông sẽ miệt mài dưới bếp, chuẩn bị những món ăn đặc sắc của nhà mình để chiêu đãi khách đến chúc Tết gia đình.

Tuy nhiên, sau khi có thông tin về việc Tết cổ truyền kéo dài 1 tháng của người H’Mông 4 xã: xã Lóng Luông, xã Vân Hồ (Sơn La) và xã Pà Cò, xã Hang Kia (tỉnh Hòa Bình) sẽ chuyển sang ăn Tết nguyên đán như cả nước, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình; Sở VHTTDL tỉnh Sơn La kiểm tra và báo cáo bằng văn bản về Cục Văn hóa cơ sở trước ngày 17/1/2019 để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/kiem-tra-thong-tin-lien-quan-den-tet-co-truyen-cua-nguoi-hmong-3975938-v.html