Kiểm tra công vụ không phải 'bới lá tìm sâu'!

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, kiểm tra công vụ không phải 'bới lá tìm sâu', không phải phát hiện để xử lý mà giúp các bộ, ngành, địa phương khắc phục hạn chế, giúp các cơ quan Trung ương xem xét, hoàn thiện thể chế.

Ngày 3-4, Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm hoạt động về kiểm tra công vụ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, đến nay, tổ công tác đã thực hiện 44 cuộc kiểm tra tại 14 bộ, ngành, 30 địa phương và yêu cầu các đơn vị còn lại gửi báo cáo về Tổ công tác.

Qua đó, tổ công tác đã đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; về sử dụng biên chế và tinh giản biên chế; về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là việc thực hiện các quy định về bổ nhiệm, về số lượng cấp phó, việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn; về giải quyết khiếu nại tố cáo và việc tiếp công dân…

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, kiểm tra công vụ không phải “bới lá tìm sâu”.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, kiểm tra công vụ không phải “bới lá tìm sâu”.

Với sự hoạt động tích cực của tổ công tác, nhiều hạn chế, tồn tại của các bộ, ngành, địa phương được kiểm tra đã cơ bản được khắc phục. Các bộ, ngành, địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và sâu sát hơn trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ giao cũng như triển khai thực hiện các kiến nghị của Tổ công tác. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường.

Hoạt động của tổ công tác đã góp phần quan trọng vào hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, phục vụ, hướng tới người dân, doanh nghiệp và khắc phục triệt để tình trạng trì trệ, hành chính hóa trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá, thông qua công tác kiểm tra hoạt động công vụ, các bộ, ngành, địa phương đã được hướng dẫn, kịp thời khắc phục những hạn chế và tổ công tác cũng đã tổng hợp được những kiến nghị để đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động công vụ.

Các đại biểu cũng cho rằng, để công tác kiểm tra đạt hiệu quả cần phải có kế hoạch kiểm tra sớm để các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các nội dung. Yêu cầu báo cáo phải nghiêm túc, đầy đủ nội dung; công tác kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm; đặc biệt, cần kiểm tra các vấn đề xã hội quan tâm, trong quá trình kiểm tra, nếu có vấn đề, vụ việc phức tạp phải chuyển cơ quan thanh tra xử lý theo thẩm quyền.

Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, cần có tổ giúp việc của tổ công tác để kiểm tra trước khi tổ công tác làm việc; tăng cường sự kết hợp giữa thanh tra và kiểm tra; ngoài ra cần tập hợp thông tin qua báo chí như công tác bổ nhiệm, tuyển dụng, nâng ngạch, kéo dài thời gian công tác … để có thể ưu tiên kiểm tra trước.

Đặc biệt, cần phải có hậu kiểm tra, giám sát sau khi kiểm tra và tăng cường hơn nữa công tác thông tin, truyền thông. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị xây dựng bộ tiêu chí đánh giá trên cơ sở các nội dung kiểm tra, mục đích là để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng theo quy định pháp luật…

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, thời gian 3 năm vưa qua không dài nhưng do thiên tai, dịch bệnh chiếm khoảng 1,5 năm đã ảnh hưởng đến việc kiểm tra các bộ, ngành, địa phương nhưng trong khoảng 1,5 năm qua, tổ công tác đã kiểm tra được 44 bộ, ngành, địa phương.

Hoạt động của tổ công tác đã góp phần quan trọng vào hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, phục vụ

Thông qua việc kiểm tra đã có tác dụng rất lớn, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, kiểm tra công vụ không phải “bới lá tìm sâu”, không phải phát hiện để xử lý mà giúp các bộ, ngành, địa phương khắc phục hạn chế, giúp các cơ quan Trung ương xem xét, hoàn thiện thể chế, do đó, các vi phạm năm sau ít hơn năm trước, không tái phạm các vấn đề đã phát hiện. Đồng thời, qua kiểm tra cũng đã phát hiện nhiều bộ, ngành, địa phương có nhiều sáng tạo trong hoạt động công vụ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, vẫn còn có những hạn chế đó là: chưa thực sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch; nội dung kiểm tra chưa linh hoạt theo từng bộ, ngành, địa phương; thành viên tổ công tác đôi khi còn vắng, ảnh hướng chất lượng cuộc kiểm tra, chưa góp ý nhiều cho địa phương khắc phục sai sót; các đơn vị được kiểm tra vẫn còn tình trạng xin lùi thời gian, chuẩn bị nội dung kiểm tra chưa đạt yêu cầu của tổ công tác, vẫn còn tình trạng chậm khắc phục sai phạm sau thanh tra, kiểm tra…

Để hoạt động kiểm tra công vụ đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị 8 vấn đề. Cụ thể, tổ công tác phải bám sát nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao; đặc biệt việc tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; công tác kiểm tra phải có mục tiêu, nội dung kiểm tra hàng năm cho phù hợp với đặc thù từng bộ, ngành, địa phương.

Đồng thời, tập trung kiểm tra các nghị định của Chính phủ mới ban hành; kiểm tra việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, công tác tinh giản biên chế; nghiên cứu đổi mới công tác kiểm tra, hình thức kiểm tra và báo cáo công tác kiểm tra, có thể kiểm tra trực tiếp, có thể phối hợp với công tác thanh tra hoặc kiểm tra bằng hình thức trực tuyến…

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/kiem-tra-cong-vu-khong-phai-boi-la-tim-sau-233788.html