Kiểm tra công tác ứng phó hạn mặn xâm nhập tại Vĩnh Long và Sóc Trăng

Ngày 10-2, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) do đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng NN-PNTN dẫn đầu đã đến làm việc tại tỉnh Vĩnh Long về công tác phòng chống, ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khảo sát công trình cống Vũng Liêm phát huy ứng phó hạn mặn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khảo sát công trình cống Vũng Liêm phát huy ứng phó hạn mặn.

Theo báo cáo, công tác ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn của tỉnh Vĩnh Long, đến nay, tỉnh đã xây dựng ba kịch bản. Theo đó, hơn 10.000 ha lúa đông xuân, 23.890 ha cây lâu năm thiếu nước tưới trong vòng một tuần do đóng cống ngăn mặn; hơn 30 nhà máy nước, trạm cấp nước sạch cung cấp cho hơn 66.200 hộ dân bị ảnh hưởng xâm nhập mặn khoảng thời gian 10 ngày trong thời kỳ độ mặn lên cao, đóng cống ngăn mặn.

Tuy nhiên, nhờ các cấp chính quyền và nhân dân có bước chủ động sớm và nhất là qua bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn năm 2016 nên tỉnh hiện chưa ghi nhận thiệt hại. Dự báo, trong thời gian cao điểm của khô hạn, mặn xâm nhập vào tháng ba, tháng tư tới, toàn tỉnh sẽ có hơn 83.900 ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng; 49 nhà máy nước sẽ bị nhiễm mặn và hơn 215.900 hộ dân không có nước ngọt sử dụng.

Về giải pháp ứng phó, đồng chí Trần Văn Rón, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết: “Hiện nay, tỉnh thực hiện thông báo về tình hình hạn, mặn ít nhất hai lần/ngày, qua các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả qua điện thoại để người dân chủ động nắm bắt, ứng phó. Những nơi thiếu nước ngọt sinh hoạt, tỉnh thuê xà lan, xe bồn chở nước ngọt cấp cho các nhà máy nước chi nhánh Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình và chi nhánh Cái Ngang, số lượng 43 chuyến/ngày, trong vòng 10-15 ngày”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao công tác chủ động của tỉnh Vĩnh Long trong việc thực hiện nhiều giải pháp ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn thời gian qua. Đây được xem là giải pháp căn cơ, quan trọng để tỉnh tiếp tục chủ động thực hiện ứng phó có hiệu quả trong thời gian tới…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị: “Vĩnh Long cần rà soát lại toàn bộ các kịch bản, chương trình năm nay để tiếp tục có chương trình ứng phó. Phát huy tác dụng giữ được cục diện như bây giờ là rất tốt, nhưng cố gắng để làm sao chọn mùa sản xuất khô hạn năm nay, đó là thứ nhất. Thứ hai là sau đợt tháng tư này, chúng tôi đề nghị tỉnh tổng kết thật sâu sắc, để trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp, các ngành liên quan tham mưu cho tỉnh điều chỉnh tái cơ cấu nông nghiệp tổng thể, cục diện sản xuất phù hợp, biến thách thức thành cơ hội thích ứng một cách chủ động”.

Ngay sau buổi làm việc, Bộ trưởng cùng các thành viên trong đoàn đã có chuyến thực tế, khảo sát các trà lúa và công trình ứng phó hạn mặn trên địa bàn huyện Vũng Liêm của tỉnh Vĩnh Long.

* Cùng ngày 10-2, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã đến làm việc tại tỉnh Sóc Trăng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Văn Hiểu đã thông tin tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đến sớm hơn khoảng một tháng và độ mặn cao hơn so với những năm trước. Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống 185.386 ha, đã thu hoạch 69.512 ha, năng suất bình quân ước hơn 6,3 tấn/ha và với diện tích lúa trên, trong kế hoạch khuyến cáo không bị thiệt hại do hạn hán xâm nhập mặn. Tuy nhiên, có một phần diện tích đông xuân muộn (lúa vụ 3), khoảng hơn 1.000 ha, ngành chuyên môn đã khuyến cáo không được xuống giống nhưng nông dân vẫn canh tác, trong số đó 600 ha lúa có khả năng bị thiệt hại nặng nếu tình hình hạn, xâm mặn kéo dài. Theo đó, hạn mặn kéo dài cũng có khả năng ảnh hưởng diện tích cây ăn trái khoảng hơn 4.000 ha và 1.000 ha rau màu.

Tỉnh Sóc Trăng đã chủ động chỉ đạo ngành chuyên môn xuống giống lúa vụ đông xuân sớm hơn một tháng và bảo đảm các cống ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ cho diện tích lúa đông xuân trong kế hoạch và với nước sinh hoạt cho người dân nông thôn, toàn tỉnh còn gần 24.400 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, khắc phục tình trạng này, tỉnh đã triển khai quyết liệt các công trình mở mới, nâng cấp các tuyến đường ống dẫn nước sinh hoạt nông thôn cho người dân để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dùng nước ngọt của người dân trong mùa hạn, mặn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường biểu dương tỉnh Sóc Trăng đã chủ động ứng phó hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 bằng việc gieo sạ vụ đông xuân sớm hơn, kết quả là lúa trung mùa hơn, bảo đảm năng suất vụ mùa khá cao. Qua đó, Bộ trưởng NN-PTNT đề nghị tỉnh Sóc Trăng phải bảo đảm nước sạch sinh hoạt cho hộ dân theo Đề án quy hoạch của tỉnh và nếu có hộ thiếu nước sinh hoạt thì phải có phương án đưa nước đến từng hộ dân, không để người dân thiếu nước ngọt trong mùa hạn, mặn cũng như dự trữ đủ lượng nước tưới tiêu phục vụ diện tích cây ăn trái…

Ngay sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có chuyến khảo sát khu vực thu hoạch lúa đông xuân và cống ngăn mặn trên địa bàn hai huyện Trần Đề và Long Phú. Tại xã Tài Văn, huyện Trần Đề, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT và lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã ghé thăm hỏi tình hình thu hoạch lúa của một hộ dân, được nhiều nông dân thông tin về vụ trồng lúa ST tím, giống lúa cho năng suất chất lượng cao, năng suất ước đạt 7 tấn/ha, giá bán sau thu hoạch 6.200 đồng đến 6.800 đồng/kg, và trong vụ đông xuân nhờ nghe khuyến cáo của ngành chuyên môn nên toàn bộ diện tích lúa 7 ha của gia đình đã thu hoạch xong, không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn nên năng suất lúa đạt và cao hơn so cùng kỳ năm trước.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thị sát hệ thống cống ngăn mặn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Bộ trưởng NN-PTNT thăm thực tế cống ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất lúa của bà con nông dân tại một số xã thông qua cống Bà Xẩm của huyện Long Phú, nghe ngành chuyên môn của tỉnh đề xuất hỗ trợ Sóc Trăng bảy cống hở cặp tuyến Quốc lộ Nam sông Hậu để ngăn mặn, trữ ngọt cũng như tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông vận chuyển hàng hóa tại các cống hở thuận tiện.

Đồng chí Bộ trưởng phấn khởi khi nghe chia sẻ của nông dân canh tác lúa tại huyện Trần Đề là lúa trúng mùa, nông dân có lợi nhuận tốt. Riêng với các đề xuất về cống của địa phương đồng chí Nguyễn Xuân Cường đề nghị các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ nghiên cứu và đánh giá sâu các cống theo công nghệ mới, cách làm mới để đưa vào hoàn thiện chiến lược hoàn thiện hệ thống thủy lợi không chỉ riêng của Sóc Trăng mà cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

BÁ DŨNG; NGUYỄN PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43210702-kiem-tra-cong-tac-ung-pho-han-man-xam-nhap-tai-vinh-long-va-soc-trang.html