Kiểm tra công tác chống buôn lậu dịp Tết tại sân bay Nội Bài, chợ Đồng Xuân

Tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, lực lượng Hải quan tập trung nhân lực, phương tiện, trang thiết bị kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay, đối tượng, mặt hàng trọng điểm.

Đoàn kiểm tra làm việc tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: T.Bình.

Đoàn kiểm tra làm việc tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: T.Bình.

Quản chặt mặt hàng, đối tượng, chuyến bay trọng điểm

Triển khai kế hoạch của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, chiều 17/1, Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia do Phó Chánh Văn phòng Vũ Hùng Sơn làm Trưởng đoàn đi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống buôn lậu dịp cao điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tại sân bay quốc tế Nội Bài và khu vực quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) với trọng điểm là chợ Đồng Xuân.

Tại sân bay quốc tế Nội Bài, Đoàn đã làm việc với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội) và kiểm tra thực tế tại Nhà ga hành khách quốc tế (T2).

Theo lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội và Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, thực hiện các kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Hải quan, Ban chỉ đạo 389 UBND TP Hà Nội, Cục Hải quan Hà Nội và Chi cục đã xây dựng kế hoạch đấu tranh phòng chống.

“Với đặc thù sân bay quốc tế nên đơn vị xác định 3 nhóm nội dung liên quan đến chuyến bay, mặt hàng, đối tượng trọng điểm để có phương án đấu tranh phù hợp, hiệu quả”- lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài chia sẻ.

Theo đó, mặt hàng trọng điểm có nguy cơ cao về buôn lậu, vận chuyển trái phép là vũ khí, vật liệu nổ, ma túy, động vật và sản phẩm động vật hoang dã, tài liệu phản động... hàng tiêu dùng trị giá lớn, thuế suất cao (vàng, ngoại tệ, điện thoại di động, rượu ngoại, xì gà...).

Đối tượng trọng điểm là hành khách xuất nhập cảnh nhiều lần trong tháng với mục đích đi du lịch, hành khách từ một số quốc gia châu Phi, Tây Á...

Đoàn kiểm tra tại một cửa hàng kinh doanh rượu ngoại tại phố hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: T.Bình.

Để đấu tranh hiệu quả, Chi cục tăng cường kiểm tra, giám sát hàng hóa tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu; tăng cường sử dụng máy soi, chó nghiệp vụ để kiểm tra chặt chẽ bưu kiện, hành lý xách tay, hành lý chậm làm thủ tục...

Đồng thời đơn vị đẩy mạnh thu thập thông tin quản lý rủi ro, tăng cường công tác nắm địa bàn, chú trọng công tác phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu và cả lực lượng Quản lý thị trường...

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Nguyễn Trường Giang khẳng định, đến thời điểm này, toàn Cục cũng như Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã bố trí đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật và xác lập, triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh để đảm bảo vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, vừa nâng cao hiệu quả quản lý, theo đúng Kế hoạch phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Tổng cục Hải quan; Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội.

Tăng cường kiểm soát hàng giả mạo xuất xứ

Tai khu vực chợ Đồng Xuân và khu vực quận Hoàn Kiếm, Đoàn công tác tập trung kiểm tra nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, vấn đề niêm yết giá, ghi nhãn hàng hóa...

Theo Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) Nguyễn Hải Anh, địa bàn do đơn vị quản lý có tới khoảng 16.000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, trong đó có 11.000 hộ kinh doanh cá thể, tuy nhiên lực lượng của đơn vị chỉ có 17 CBCC.

Đoàn kiểm tra tại 1 cửa hàng kinh doanh bánh, mứt, kẹo... trong chợ Đồng Xuân. Ảnh: T.Bình.

“Với quân số ít, số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh lớn nên chúng tôi không kiểm tra dàn trải, mà tập trung vào những tuyến phố, mặt hàng trọng điểm có nguy cơ vi phạm cao liên quan đến hàng giả, hàng lậu, hàng cấm, hàng về an toàn thực phẩm”- ông Nguyễn Hải Anh nói.

Về kết quả đấu tranh, năm 2019, Đội Quản lý thị trường số 2 đã phát hiện, xử lý khoảng 500 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và trị giá hàng tịch thu lên tới 9 tỷ đồng. Trong đó có vụ việc vi phạm lên quan đến mặt hàng xì gà với trị giá khoảng 4 tỷ đồng đã được chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an đề nghị xử lý hình sự.

Đánh giá sơ bộ về kết quả kiểm tra, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Vũ Hùng Sơn cho biết: Tại sân bay quốc tế Nội Bài, các lực lượng chức năng đã phân luồng, phân mặt hàng, đối tượng, chuyến bay trọng điểm để áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ từ soi chiếu đến sử dụng chó nghiệp vụ để kiểm tra, kiểm soát từ trong sân bay đến khu vực ngoại vi.

“Cơ bản các lực lượng chức năng tại sân bay quốc tế Nội Bài, đặc biệt là lực lượng Hải quan đã có sự chủ động bố trí lực lượng, trang thiết bị và xây dựng kế hoạch đấu tranh. Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan và lượng Quản lý thị trường tại địa bàn huyện Sóc Sơn cũng có sự phối hợp chặt chẽ”- Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhận xét.

Tại khu vực chợ Đồng Xuân và địa bàn quận Hoàn Kiếm nói chung, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các phường để tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, vận động nhân dân không buôn bán, kinh doanh hoặc tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ...

“Nhưng thực tế, trong khi hầu hết sản phẩm sản xuất trong nước có tem, nhãn, nguồn gốc xuất xứ, niêm yết giá. Nhưng hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài vẫn có tình trạng nhiều sản phẩm không có tem, mác, nhãn phụ, niêm yết giá... thậm chí có mặt hàng có nghi vấn xâm phạm sở hữu trí tuệ của thương hiệu nổi tiếng nước ngoài như túi xách”- ông Vũ Hùng Sơn nhận định thêm.

Theo Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, từ kết quả kiểm tra vừa qua, Văn phòng sẽ tham mưu với Trường ban chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian sẽ tổ chức nhiều cuộc kiểm tra theo các lĩnh vực, mặt hàng, địa bàn trọng tâm, trọng điểm cụ thể, đồng thời kiến nghị tăng chế tài xử phạt với những trường hợp tái phạm.

Về kết quả chống buôn lậu của Cục Hải quan Hà Nội, năm 2019 toàn Cục đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt 1.111 vụ vi phạm (bằng 145% năm 2018) gồm: 1.063 vụ vi phạm hành chính về hải quan (bằng 143% năm 2018); hành vi vi phạm chủ yếu là khai báo sai thủ tục hải quan, mã HS, trị giá, chênh lệch nguyên vật liệu tồn kho..); 22 vụ ma túy (bằng 244% năm 2018), 28 vụ buôn lậu (bằng 175% năm 2018); tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách là 70,15 tỷ đồng.

Trong đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài khởi tố 2 vụ, chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an khởi tố 6 vụ.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/kiem-tra-cong-tac-chong-buon-lau-dip-tet-tai-san-bay-noi-bai-cho-dong-xuan-119023.html