Kiểm tra chuyên ngành: Quản lý chồng chéo gây khó khăn, tốn kém

Qua rà soát 157 văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, Chính phủ đã phát hiện một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập, không phù hợp thực tiễn.

Mô hình kiểm tra chuyên ngành mới triển khai sẽ tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Mô hình kiểm tra chuyên ngành mới triển khai sẽ tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Một trong các giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng này là giao một đơn vị làm đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, cắt giảm hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành.

Nhiều quy định chồng chéo, bất cập

Đầu tháng 10, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước. Báo cáo này nhằm phát hiện các quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; có phương án xử lý kịp thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch và khả thi của hệ thống pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh.

Một trong các nội dung chính của báo cáo là rà soát các quy định về kiểm tra chuyên ngành. Trong lĩnh vực này, Chính phủ đã rà soát 157 văn bản (gồm 20 luật, 46 nghị định của Chính phủ, 6 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 85 thông tư, thông tư liên tịch) liên quan đến kiểm tra chuyên ngành trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, tập trung vào một số lĩnh vực như: an toàn thực phẩm, dược, thú y, thủy sản, trồng trọt, kiểm dịch thực vật, chăn nuôi, giao thông, năng lượng, môi trường, khoáng sản, đa dạng sinh học, đo đạc, bản đồ, an ninh, thông tin truyền thông. Qua đó, cơ quan chức năng đã phát hiện một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập, không phù hợp thực tiễn.

Cụ thể như quy định chồng chéo về cấp giấy phép giữa các cơ quan khi thực hiện thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Với các quy định này, khi thực hiện thủ tục tạm nhập tái xuất, các loài động vật, thực vật nguy cấp thuộc các phụ lục CITES phải có 2 giấy phép do Bộ Công thương và cơ quan có thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp, gây khó khăn cho việc thực hiện các thủ tục tạm nhập tái xuất.

Phương án xử lý được nêu là nghiên cứu, đề xuất giao một cơ quan quản lý cấp giấy phép tạm nhập tái xuất đối với các loài động vật, thực vật nguy cấp thuộc các phụ lục CITES để thuận tiện cho việc thực hiện các thủ tục tạm nhập tái xuất.

Một số quy định khác bất cập, không phù hợp thực tiễn như là định nghĩa về “chất thải” và “phế liệu” tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 chưa đủ rõ để xác định một số hàng hóa nhập khẩu là phế liệu hay chất thải. Hiện nay cũng chưa có đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật đối với chất thải và phế liệu dẫn đến khó khăn cho các cơ quan hải quan trong việc xác định một số hàng hóa nhập khẩu là phế liệu hay là chất thải để áp dụng chính sách quản lý phù hợp. Để khắc phục vấn đề này, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý trong quá trình xây dựng dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng định nghĩa rõ ràng, phân biệt cụ thể về “chất thải” và “phế liệu” để làm cơ sở phân biệt, áp dụng chính sách quản lý phù hợp. Đồng thời, các bộ, cơ quan liên quan quản lý “chất thải” và “phế liệu” ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để xác định chất thải và phế liệu để áp dụng chính sách quản lý phù hợp.

Một đầu mối - bước đột phá về kiểm tra chuyên ngành

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, kết quả rà soát cho thấy có nhiều quy định về cùng một mặt hàng (giống nhau về mô tả hàng hóa, đặc tính kỹ thuật…) thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành nhưng được quản lý bởi nhiều cơ quan khác nhau gây khó khăn cho nhà nhập khẩu hàng hóa trong việc thực hiện các thủ tục nhập khẩu, tăng chi phí và thời gian thông quan hàng hóa. Ngoài ra, một số văn bản quy định về mã số HS đối với các danh mục hàng hóa phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành chưa được ban hành, gây khó khăn cho doanh nghiệp và các cơ quan liên quan trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Để xử lý tình trạng này, Chính phủ cho biết phương án là các bộ, cơ quan liên quan phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án giao một đơn vị làm đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng cắt giảm hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành.

Tại cuộc họp báo mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, mặc dù công tác kiểm tra chuyên ngành thời gian qua đã đạt một số kết quả, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cải cách, vẫn tồn tại nhiều bất cập từ trình tự, thủ tục, phương thức kiểm tra; còn tình trạng xung đột trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành; chưa đầy đủ tiêu chuẩn tiêu chuẩn, quy chuẩn; hiệu quả kiểm tra không cao...

Trước thực tế này, Chính phủ đã có những chỉ đạo tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành nhằm đổi mới căn bản, tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành. Qua đó tạo thuận lợi cho đầu tư, thương mại, đảm bảo an ninh an toàn và lợi ích quốc gia, cũng như đảm bảo thực thi đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm trong các hiệp định song phương và đa phương.

Doanh nghiệp nhất trí cao với mô hình một đầu mối kiểm tra chuyên ngành

Theo Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ, nhiều thủ tục kiểm tra theo mô hình mới được đơn giản hóa nhờ nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan. Mô hình này được đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp như: Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)… nhất trí cao và bày tỏ hy vọng đề án sớm được triển khai sẽ góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-10-06/kiem-tra-chuyen-nganh-quan-ly-chong-cheo-gay-kho-khan-ton-kem-93101.aspx