Kiểm tra chuyên ngành có vai trò quan trọng nâng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới

Thời gian và chi phí kiểm tra chuyên ngành (KTCN) vẫn đang chiếm tỉ lệ lớn trong chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới. Chính vì vậy, dù đã đạt nhiều kết quả, song KTCN tiếp tục là một trong những lĩnh vực cần cải cách để hướng đến mục tiêu cải thiện môi trường, nâng cao năng lực quốc gia, đặc biệt là nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới tăng 10-15 bậc so với năm 2018; năm 2019, phấn đấu tăng từ 3-5 bậc so với năm 2018.

Cơ quan kiểm tra chuyên ngành lấy mẫu hàng hóa XNK. Ảnh: N.Linh.

Cơ quan kiểm tra chuyên ngành lấy mẫu hàng hóa XNK. Ảnh: N.Linh.

Nhiều chuyển biến

Trong văn bản mới đây gửi đến Ngân hàng thế giới (WB), Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay các bộ, ngành đang thực hiện cải cách toàn diện hoạt động KTCN đối với hàng hóa XNK theo hướng tạo thuận lợi cho DN như: Cắt giảm danh mục hàng hóa phải KTCN; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các nhóm hàng phải KTCN; thay đổi phương thức kiểm tra, áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra, nhiều mặt hàng đã được chuyển thời điểm kiểm tra từ giai đoạn trước thông quan sang sau thông quan, tăng đối tượng được miễn kiểm tra, minh bạch hóa danh mục hàng hóa kèm mã số HS, bãi bỏ những quy định không phù hợp thông qua việc sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về KTCN. Những thay đổi này đã có tác động tích cực tới thời gian và chi phí cho hoạt động XNK của DN.

Đáng chú ý như: Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm theo hướng tạo thuận lợi cho DN, quy định các phương thức kiểm tra phù hợp theo mức độ tuân thủ pháp luật của DN, bổ sung thêm nhiều đối tượng được miễn kiểm tra… Theo đó, đã cắt giảm 95% lô hàng NK phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm. Đây là văn bản được cộng đồng DN đánh giá cao, đánh dấu bước cải cách lớn trong công tác KTCN.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 37/2017/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định 50/2006/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chất lượng. Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 07/2017/TT-BKHCN đã cắt giảm hơn 90% mặt hàng phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan.

Chính phủ ban hành Nghị định 108/2017/NĐ-CP bãi bỏ việc phải nộp Giấy chứng nhận hợp quy phân bón NK cho cơ quan Hải quan.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 28/2017/TT-BNNPTNN đã cắt giảm danh mục các mặt hàng nhóm 2 phải kiểm tra trước thông quan như máy móc, thiết bị nông nghiệp; chuyển kiểm tra sau thông quan đối với một số nhóm hàng như giống vật nuôi; đồng thời ban hành Thông tư 24/2017/TT-BNNPTNT ban hành Bảng mã số HS đối với hàng hóa chuyên ngành XK, NK thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo đó đã cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm dịch thực vật như loại bỏ nhiều nhóm sản phẩm đã chế biến, được đóng gói kín và ghi nhãn.

Bộ Công Thương ban hành Thông tư 21/2017/TT-BCT về việc hành hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hàm lượng formaldehyde và một số amin thơm có nguồn gốc từ chất màu azo trong sản phẩm dệt, theo đó đã cải thiện các quy định cồng kềnh trong ngành dệt; ban hành Thông tư 33/2017/TT-BCT quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, theo đó đã chuyển hầu hết các mặt hàng phải kiểm tra chất lượng sang kiểm tra sau thông quan.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng ban hành Thông tư 36/2016/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, theo đó đã chuyển thời điểm dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng sang sau thông quan; Thông tư 18/TT-BCT đã bãi bỏ việc kiểm tra chất lượng đối với hơn 100 mặt hàng thép NK.

Các bộ đã ban hành nhiều danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, KTCN được xác định cụ thể mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Kết quả quản lý, KTCN đã có nhiều cải cách, đạt kết quả. Tuy vậy, trong chỉ số Giao dịch qua biên giới thì thời gian và chi phí thuộc trách nhiệm của cơ quan KTCN là rất lớn. Thời gian tuân thủ về chứng từ đối với KTCN (thời gian chuẩn bị hồ sơ XNK) và thời gian tuân thủ tại cửa khẩu đối với cơ quan ngoài hải quan (thời gian kiểm tra và ra báo cáo kiểm tra chất lượng) chiếm 61% đối với hàng nhập, 46% đối với hàng xuất. Về chi phí thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành (chi phí chuẩn bị hồ sơ xuất, nhập khẩu) và chi phí kiểm tra chất lượng chiếm 25% đối với hàng nhập, 27% đối với hàng xuất.

Để thực hiện mục tiêu là nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới tăng 10-15 bậc so với năm 2018; năm 2019, phấn đấu tăng từ 3-5 bậc so với năm 2018, rõ ràng cần tiếp tục cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Bộ Tài chính đã có Quyết định 876/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp nâng cao xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam giai đoạn 2019-2021. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan quyết liệt triển khai các nhiệm vụ: Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan; tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, KTCN và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia; nâng cao chất lượng, giảm thời gian và chi phí bốc xếp, lưu thông hàng hóa tại kho, bãi, cảng; nâng cao chất lượng, giảm thời gian và chi phí vận tải; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ thực hiện thủ tục XNK.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan đã có Quyết định 1552/QĐ-TCHQ ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp nâng cao xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam giai đoạn 2019-2021. Trong đó, một trong những nhiệm vụ Tổng cục Hải quan đặt ra là tiếp tục phối hợp với các bộ những giải pháp cải cách toàn diện công tác quản lý, KTCN và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Châu Anh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/kiem-tra-chuyen-nganh-co-vai-tro-quan-trong-nang-chi-so-giao-dich-thuong-mai-qua-bien-gioi-106390-106390.html