Kiểm tra 46 người, 10 người kê khai sai: Nhiều tâm tư

Tập trung kiểm tra với tất cả những người cán bộ chủ chốt ở từng cấp, trong đó, vai trò giám sát của người dân phải được đề cao.

Kết quả bất ngờ

Báo cáo Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng 2019, Thanh tra Chính phủ cho biết, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2018 là hơn 1,081 triệu người, đạt tỷ lệ 99,9% số người phải kê khai. Trong đó, có 46 người đã được xác minh tài sản, thu nhập. Như vậy, số người được xác minh chỉ đạt 0,004%.

Thế nhưng, tỷ lệ phát hiện vi phạm qua xác minh lại khá cao, với 10 trường hợp vi phạm trên tổng số 46 người được xác minh, chiếm 21,7%, tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.

Tập trung kiểm tra kê khai với những cán bộ từ cấp ủy. Ảnh minh họa

Tập trung kiểm tra kê khai với những cán bộ từ cấp ủy. Ảnh minh họa

Đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, song ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, vấn đề kê khai tài sản, xác minh tài sản kê khai thời gian qua vẫn còn mang tính hình thức. Vì thế, dù có hàng triệu người đã thực hiện kê khai hay trong số các trường hợp bị kiểm tra, đã phát hiện tới 20% kê khai sai, con số có thể vẫn chưa phản ánh đúng thực chất.

Đáng nói, do làm thật tốt kê khai tài sản, thu nhập nên công tác kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản chưa góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Vì thế, cần phải có giải pháp thiết thực hơn.

Theo đề xuất của nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trước tiên, cần tập trung kiểm tra với tất cả những người cán bộ chủ chốt ở từng cấp.

"Với tất cả những đối tượng thuộc diện được giới thiệu tham gia vào cấp ủy xã, huyện, tỉnh, thành phố cho tới các cấp Trung ương... đều phải công khai tài sản, công bố công khai ở tổ dân phố, phường, xã, để nhân dân biết, giám sát và điều tra.

Thanh tra Chính phủ, cơ quan kiểm tra phải tiến hành thẩm tra, xác minh tài sản được kê khai có trung thực, có đúng hay không?", ông Nguyễn Túc đề nghị

Chia sẻ kinh nghiệm làm công tác mặt trận khi xem xét các lần hiệp thương giới thiệu đại biểu ứng cử HĐND, ông Túc cho biết, rất nhiều trường hợp ứng cử viên khi kê khai tài sản đưa xuống để địa bàn cư dân dân cư góp ý kiến đã phát hiện không ít người kê khai không trung thực và không được giới thiệu ra ứng cử đại biểu HĐND các cấp.

"Nên sử dụng tai mắt của nhân dân để giám sát, phát hiện, xử lý, loại bỏ ngay những trường hợp kê khai sai, thiếu trung thực ra khỏi bộ máy", ông Túc nói.

Cán bộ càng giàu càng ngại kê khai

Nhấn mạnh tính tự giác, trung thực trong thực hiện kê khai tài sản, thu nhập, ông Nguyễn Túc nhắc lại quan điểm của cấp lãnh đạo: "kiên quyết không cho vào Ban Chấp hành những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc…" và nhấn mạnh, công tác cán bộ rất quan trọng.

Theo ông Túc, tự giác, trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập không chỉ phục vụ công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra mà còn thể hiện bản chất, đạo đức của một người cán bộ. Tài sản, thu nhập có thể nói lên việc cán bộ sống với khoản thu nhập có minh bạch, có nguồn gốc rõ ràng không?

"Người giàu nhanh, tự nhiên có nhiều nhà, nhiều đất người ta mới ngại kê khai, ngại công khai, minh bạch tài sản mình có.

Do đó, một cán bộ tự nhiên có nhiều nhà, nhiều đất trong thời gian ngắn lại không muốn công khai, minh bạch tài sản của mình thì rõ ràng là điều bất thường, cần phải xem xét", ông Túc gợi ý.

Đề cập tới câu chuyện tiền hỗ trợ người nghèo bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng lại "lọt" vào túi các gia đình là cán bộ, lãnh đạo xã ở Thanh Hóa, ông Túc mtt lần nữa khẳng định, vai trò, tầm quan trọng của công tác kê khai tài sản đối với cán bộ, lãnh đạo là rất quan trọng.

"Đặc biệt, vấn đề công khai tài sản, công khai kê khai ngay tại khu dân cư của người cán bộ, lãnh đạo sinh sống và nơi làm việc để người dân giám sát, kiểm tra.

Ngày xưa, khi thực hiện kiểm tra lý lịch cán bộ, công tác kiểm tra phải được thực hiện, xác minh tới ba đời họ hàng của người cán bộ. Bây giờ, nếu không làm chặt được như vậy thì phải kiểm tra kê khai với cán bộ, và những người thân thích, ruột thịt như bố, mẹ, anh chị, vợ con... để giám sát cho chặt chẽ", ông Túc nói.

Buộc thôi việc nếu chậm kê khai tài sản quá 45 ngày

Cùng với đó, ông Nguyễn Túc cho rằng cơ chế xử lý cũng phải thật nghiêm minh, đúng quy định.

Cụ thể, với những trường hợp phát hiện kê khai thiếu trung thực, gian dối nghĩa là đã vi phạm tiêu chí, tiêu chuẩn của một người cán bộ, phải loại khỏi danh sách ứng cử, không để lọt vào bộ máy những người thiếu trung thực, như vậy mới đủ sức cảnh tỉnh, răn đe cho những đối tượng khác.

"Nếu ngay từ khi được giới thiệu ứng cử anh đã không trung thực thì làm sao ngồi trong bộ máy quản lý, làm sao lãnh đạo được?", ông Túc nói thẳng.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/kiem-tra-46-nguoi-10-nguoi-ke-khai-sai-nhieu-tam-tu-3404130/