'Kiểm toán phải lần theo dấu vết của dòng tiền ngân sách'

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này đã nhiều lần nhận được đề nghị từ cơ quan điều tra tham gia giám định tư pháp các vụ án tham nhũng, song do Luật không quy định nên buộc phải từ chối…

ĐBQH Hoàng Văn Cường đề nghị nên tăng cường hoạt động cho cơ quan kiểm toán

ĐBQH Hoàng Văn Cường đề nghị nên tăng cường hoạt động cho cơ quan kiểm toán

Chiều nay, 7-6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước. Nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là đề xuất cho Kiểm toán nhà nước được tham gia vào công tác giám định tư pháp.

ĐB Lưu Đức Long (Vĩnh Phúc) cho rằng, cơ quan kiểm toán cần phải làm tốt hơn trong việc phát hiện khoảng trống trong thực hiện cơ chế chính sách tài sản công, tài chính công. Tuy nhiên, với quy định cơ quan kiểm toán được giám định tư pháp với các vụ án tham nhũng thì ĐB Long đề nghị cân nhắc thêm vì kiểm toán không có đội ngũ giám định tư pháp theo vụ việc, và trên thực tế cũng chưa thấy thực hiện việc này.

Ngược lại, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, thực tế hiện nay, muốn làm rõ được án tham nhũng thì phải chứng minh được yếu tố vụ lợi, mà chứng minh điều này thường rất khó khăn. Nhiều vụ việc không chứng minh được yếu tố vụ lợi nên chỉ quy về án kinh tế.

Vì thế, theo ĐB, Luật Kiểm toán Nhà nước không những cần quy định cụ thể về việc Kiểm toán nhà nước được tham gia vào công tác giám định tư pháp với các vụ án tham nhũng mà còn phải mở rộng ra với các vụ án kinh tế.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết cơ quan kiểm toán sẵn sàng tham gia vào giám định tư pháp

Đồng quan điểm, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, cơ quan kiểm toán có thể kiểm toán được tất cả các lĩnh vực liên quan đến thu chi ngân sách. Thực tế báo cáo kiểm toán hàng năm lần nào cũng phát hiện sai phạm, nên nếu tăng cường cho hoạt động kiểm toán, so sánh giữa chi phí bỏ ra với truy thu về, sẽ có nguồn tiền lớn, và cái lớn hơn là có thể chống được tham nhũng, sai phạm.

“Kiểm toán phải lần theo dấu vết của dòng tiền ngân sách, xem có vi phạm gì hay không?” – ĐB Hoàng Văn Cường nói và đề nghị tăng cường thẩm quyền cho cơ quan Kiểm toán trong lĩnh vực này.

Tiếp thu và giải trình ý kiến từ các ĐBQH, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, đối với công tác giám định tư pháp, điều này được xuất phát từ thực tiễn, cơ quan điều tra liên tiếp đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện. Tuy nhiên đối chiếu vào Luật Giám định tư pháp lại không quy định, nên Kiểm toán nhà nước phải từ chối.

Theo ông Hồ Đức Phớc, Kiểm toán nhà nước có trình độ chuyên môn cao trong tài chính ngân sách, nên có thể làm được. “Nếu được giao, chúng tôi sẵn sàng tham gia, dù nhiệm vụ này hết sức khó khăn mà ít cơ quan nào đảm nhiệm” – Tổng Kiểm toán Nhà nước nói.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/kiem-toan-phai-lan-theo-dau-vet-cua-dong-tien-ngan-sach/813389.antd