Kiểm toán nói gì về báo cáo tài chính của VEAM sau khi loạt cựu lãnh đạo bị khởi tố?

VEAM vừa giải trình về những ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán tại báo cáo soát xét 6 tháng năm 2019 sau khi loạt cựu lãnh đạo bị khởi tố hồi tháng 8.

Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã chứng khoán VEA) vừa giải trình về những ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán.

Lãi ròng 6 tháng sau soát xét “bốc hơi” gần 100 tỷ đồng

Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng 2019 của VEAM khiến đơn vị kiểm toán đưa ra loạt kết luận ngoại trừ vê các khoản phải thu khách hàng, phải thu về hỗ trợ vốn, trích lập dự phòng hàng tồn kho...

6 tháng 2019, mặc dù doanh thu thuần giảm 33%, xuống 2.242 tỷ đồng nhưng nhờ lãi từ liên doanh liên kết của VEAM tăng gần 12%, lên 3.318 tỷ đồng.

Theo đó, lãi ròng của VEAM tăng 10%, lên 3.309 tỷ đồng. Dù vậy, so với báo cáo công ty tự lập thì lãi ròng của VEAM “bốc hơi” 91 tỷ đồng, từ mức 3.400 tỷ đồng.

VEAM nhận cổ tức và lãi ngân hàng "khủng" trong 6 tháng.

VEAM nhận cổ tức và lãi ngân hàng "khủng" trong 6 tháng.

Ngồi không nhận cổ tức và lãi ngân hàng cũng dư dả

Tại thời điểm 30/6/2019, đầu tư tài chính ngắn hạn của VEAM tới 10.151 tỷ đồng. Nhờ đó, trong kỳ, VEAM ghi nhận gần 368 tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng.

Ngoài ra, phải thu ngắn hạn của VEAM ghi nhận con số đột biến từ 2.584 tỷ đồng lên 7.649 tỷ đồng chủ yếu nhờ thu về cổ tức và lợi nhuận được chia (6.939 tỷ đồng).

Trong đó, khoản cổ tức lợi nhuận được chia lớn nhất là từ Công ty Honda Việt Nam tới 5.824 tỷ đồng, hơn gấp 2,5 lần đầu kỳ. Tiếp đến là Công ty Ô tô Toyota Việt Nam 841 tỷ đồng, Công ty TNHH Ford Việt Nam 268 tỷ đồng.

Dấu hỏi về khả năng thu hồi của loạt khoản phải thu

Về các khoản phải thu khách hàng, tại thời điểm cuối kỳ, VEAM ghi nhận còn 861 tỷ đồng, giảm so mức 1.337 tỷ đồng của đầu kỳ.

Trong đó đáng chú ý là khoản phải thu của 19 khách hàng với số tiền gần 252 tỷ đồng. VEAM cho biết đã có đơn kiện và có quyết định công nhận của tòa án về số tiền phạt hợp đồng, tiền lãi quá hạn gần 93 tỷ đồng.

Tuy nhiên, VEAM đáng giá rằng việc thu hồi toàn bộ các khoản phải thu này sẽ gặp nhiều khó khăn nên chưa ghi nhận số tiền phạt hợp đồng và tiền lãi quá hạn nêu trên vào thu nhập khác và đã thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi.

Ngoài ra, VEAM cũng không đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu về hỗ trợ vốn và phải thu về lãi hỗ trợ vốn tương ứng với số tiền lần lượt là 553 tỷ đồng và 75 tỷ đồng.

Theo VEAM, các khoản phải thu này phần lớn phát sinh từ nhiều năm trước đây. Trong đó, Công ty Matexim nợ 274,4 tỷ đồng và nợ lãi gần 33 tỷ đồng nhưng khoản vay này vẫn trong hạn.

Công ty Matexim Hải Phòng nợ gốc 85 tỷ đồng, nợ lãi 30,9 tỷ đồng; hiện công ty vẫn đang hoạt động và một số khó khăn về các khoản đầu tư dài hạn nên chưa trả nợ VEAM.

Công ty Vetranco nợ gần 142 tỷ đồng, nợ lãi là 3,5 tỷ đồng; hiện công ty đang có những khoản phải thu lớn nên quá hạn VEAM.

Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp nợ gần 28 tỷ đồng; công ty đang gặp khó khăn về sản phẩm và thị trường nên chưa trả nợ được.

Số nợ của các đơn vị khác còn lại (gốc 24 tỷ đồng và lãi 8 tỷ đồng) đang trả nợ dần.

Về việc chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo hơn 50 tỷ đồng, VEAM cho biết sẽ làm rõ khả năng thu hồi trong thời gian tới khi xem xét cụ thể với công ty con.

Về nợ xấu, tại thời điểm cuối kỳ của VEAM tới 596 tỷ đồng, trong đó giá trị có thể thu hồi chỉ hơn 161 tỷ đồng. Nặng nhất là khoản nợ xấu từ Công ty TNHH Mekong Auto (hợp đồng mua xe Changan).

Kiểm toán không thu thập được bằng chứng về hàng tồn kho và chi phí trả trước

Hàng tồn kho giảm nhẹ xuống 2.060 tỷ đồng chủ yếu từ thành phẩm. Trong đó, VEAM chưa đánh giá được giá trị thuần 155 tỷ đồng có thể thực hiện được của các hàng tồn kho này.

Cũng theo đơn vị kiểm toán, VEAM chưa đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được và trích lập dự phòng giảm giá một số hàng tồn kho với số tiền gần 155 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VEAM đã đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được của một số hàng tồn kho là 1.111 tỷ đồng và đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho với số tiền 35 tỷ đồng, trong đó giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho được xây dựng dựa trên giá bán kỳ vọng.

Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp cho vấn đề này.

Dù vậy theo VEAM, đối với một số mặt hàng tồn kho tiêu thụ chậm trong thời gian gần đây, VEAM đã xác định giá trị thuần có thể thực hiện được dựa trên giá bán kỳ vọng và trên cơ sở báo cáo đề xuất định hướng giá bán áp dụng năm 2019.

Mức trích lập dự phòng hiện tại phản ánh đúng khả năng có thể thu hồi hay không là dựa trên cơ sở các dữ liệu hiện có.

Đối với một số mặt hàng tồn kho, ứ đọng từ nhiều năm trước (thời kỳ công ty TNHH), tại thời điểm lập báo cáo, VEAM chưa hoàn thành việc khảo sát trên thị trường các sản phẩm cùng loại để có cơ sở đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn đọng.

Trên báo cáo hợp nhất có khoản chi phí trả trước dài hạn của Công ty Matexim (VEAM nắm 51% vốn) với số tiền hơn 235 tỷ đồng gồm chi phí khấu hao, chi phí lãi vay và một số chi phí khác của nhà máy sắt xốp phát sinh từ các năm trước.

Đơn vị kiểm toán nêu ý kiến: “Không thể thu thập được bằng chứng để xác định tính hiện hữu, đầy đủ và tính chính xác của khoản chi phí trả trước nói trên”.

Theo giải trình của VEAM, hiện tại nhà máy sắt xốp đang gặp khó khăn phải dừng sản xuất nên các khoản chi phí trả trước giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị sản xuất cũng như khấu hao tài sản cố định chưa thể phân bổ vào chi phí trong kỳ.

Hiện nhà máy đang được xem xét cơ cấu lại sản phẩm đầu ra, riêng đối với khai thác mỏ đã tiến hành chuẩn bị sản xuất trở lại.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/tai-chinh/kiem-toan-noi-gi-ve-bao-cao-tai-chinh-cua-veam-sau-khi-loat-cuu-lanh-dao-bi-khoi-to-71557.html