KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TRÌNH DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC NĂM 2015

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 23/5, Quốc hội nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình

Trình bày Tờ trình, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Luật Kiểm toán nhà nước(KTNN) năm 2015 đã thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định tại Điều 118 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng cho tổ chức, hoạt động của Kiểm toán nhà nước (KTNN), bảo đảm thiết chế KTNN có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; góp phần thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí; phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, gắn với việc hội nhập quốc tế đòi hỏi nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của KTNN; đồng thời, sau hơn 3 năm thi hành, Luật KTNN bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Cơ quan soạn thảo cũng nêu rõ, Luật KTNN được sửa đổi, bổ sung góp phần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của KTNN, của Tổng KTNN; làm rõ và đầy đủ phạm vi, đơn vị được kiểm toán phù hợp với đối tượng kiểm toán theo quy định của Hiến pháp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, bảo đảm sự đồng bộ với các luật khác có liên quan; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý tài chính công, tài sản công, đấu tranh phòng, chống phòng, chống tham nhũng, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.

Về cơ quan, tổ chức, cá nhận có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, Cơ quan soạn thảo cho biết, thực hiện kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 32, KTNN đã chỉnh sửa Dự thảo Luật theo hướng không mở rộng đơn vị được kiểm toán mà quy định làm rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại Điều 68 Luật hiện hành như sau: quy định rõ nội hàm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động KTNN tại khoản 1 Điều 68; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo hướng sửa đổi khoản 2 Điều 68; để có cơ sở pháp lý khi tiến hành đối với các đối tượng kiểm toán là các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đã quy định tại Điều 4 Luật KTNN hiện hành, cần bổ sung khoản 2a Điều 68 theo hướng giao cho “Tổng Kiểm toán nhà nước quy định trình tự, thủ tục kiểm tra, đối chiếu trong thực hiện kiểm toán đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan quy định tại khoản 1 Điều này.”

Toàn cảnh phiên họp

Về bổ sung quy định thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Cơ quan soạn thảo phân tích, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đề cao vai trò và quy định rõ trách nhiệm của KTNN trong phòng, chống tham nhũng thông qua việc thực hiện chức năng kiểm toán. KTNN được xác định là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng. Tại các điều 60, 61, 62, 63, 64, 87, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định trách nhiệm của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng; Tại khoản 5 Điều 5, Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định KTNN có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm; Tại khoản 12, Điều 10, Luật KTNN năm 2015 quy định về trách nhiệm chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán;

Qua kiểm toán, KTNN đã có nhiều phát hiện, kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân và chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý: Năm 2017, KTNN đã kiến nghị chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 6 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; năm 2018, có 33 báo cáo kiểm toán có kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân; chuyển 05 bộ hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra; cung cấp 12 bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác giám sát, kiểm tra, tố tụng và gửi một số báo cáo chuyên đề (gồm 146 BCKT và các tài liệu liên quan) cung cấp thông tin phục vụ kịp thời các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các đoàn giám sát của Quốc hội…

Để bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật KTNN với Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện nhiệm vụ về phòng chống tham nhũng, cần quy định bổ sung vào Điều 10 với nội dung: Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, đối với nội dung bổ sung quy định về trách nhiệm của trưởng đoàn kiểm toán, thành viên khi hoàn thành cuộc kiểm toán nhưng sau đó phát hiện sai phạm, Cơ quan soạn thảo chỉ ra rằng, Điều 64 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: Trường hợp sau khi kết thúc kiểm toán mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành kiểm toán về cùng một nội dung thì Trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan đã tiến hành kiểm toán trước đó nếu có lỗi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Luật KTNN năm 2015, KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Để đảm bảo chặt chẽ, tránh trường hợp khi cơ quan có thẩm quyền xem xét về cùng một nội dung đã được thanh tra, kiểm toán nhưng việc xem xét được thực hiện trên hồ sơ, tài liệu khác (ngoài các hồ sơ, tài liệu đã cung cấp cho cơ quan trước) thì có thể có các phát hiện khác nhau. KTNN đề nghị quy định tại Điều 71 theo hướng: “Trường hợp sau khi kết thúc kiểm toán mà cơ quan thẩm quyền khác phát hiện vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành kiểm toán về cùng một nội dung, cùng hồ sơ, tài liệu đã kiểm toán thì trưởng đoàn kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan đã tiến hành kiểm toán cuộc đó nếu có lỗi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.”.

Ngoài các nội dung trên, Cơ quan soạn thảo cũng rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung và kỹ thuật lập pháp bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam./.

Hồ Hương- Nhóm ảnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=40389