Kiểm toán nhà nước phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính hơn 92.000 tỷ đồng

Chiều 23/5, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) năm 2015, được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

Phát hiện nhiều sai phạm, truy thu cho Ngân sách Nhà nước

Theo tờ trình của KTNN, sau 3 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật KTNN đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, qua 24 năm hoạt động, KTNN thực hiện kiểm tra, đối chiếu các đơn vị liên quan đã phát hiện nhiều sai phạm, truy thu cho Ngân sách Nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật KTNN

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật KTNN

Đơn cử, năm 2016, 2017, riêng kiểm toán các dự án BT, KTNN đã chỉ ra nhiều sai phạm, giảm thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Có những dự án sau kiểm toán, giá trị được KTNN xác nhận chỉ bằng 39% giá trị BT ban đầu; đối chiếu, kiểm tra thuế của 4.150 doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã truy thu cho ngân sách 3.411 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán năm 2018, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 92.600 tỷ đồng, trong đó, tăng thu, giảm chi cho NSNN 44.466 tỷ đồng. Qua đối chiếu thuế 2.969 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 43 địa phương, KTNN xác định tăng thu NSNN 1.684,6 tỷ đồng, kiến nghị giảm lỗ 3.341,5 tỷ đồng.

Thời gian qua, KTNN đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, như Unilever, Sabeco… truy thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng. “Tuy nhiên, KTNN đã gặp không ít các trường hợp đơn vị có hành vi chống đối, không hợp tác, không chấp hành cung cấp tài liệu, gây khó khăn cho hoạt động, như không cung cấp hồ sơ, tài liệu hoặc từ chối làm việc với KTNN; không hợp tác khi Kiểm toán viên nhà nước đến làm việc; không bố trí kế toán, người liên quan làm việc với KTNN...” - Tổng KTNN Hồ Đức Phớc thông tin.

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc đề nghị có quy định quyền xác minh để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng; bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng...

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - ông Nguyễn Đức Hải - cho biết, Ủy ban Tài chính và Ngân sách thống nhất cần bổ sung vào Luật KTNN một số quy định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của KTNN trong việc phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên Luật Phòng chống tham nhũng, Luật KTNN đã quy định nhiều điều khoản để KTNN thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng nên cần rà soát các điều khoản dự thảo Luật đang bổ sung để hạn chế tối đa việc dẫn chiếu lại các quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng dẫn đến trùng lặp, không cần thiết.

Sửa đổi Luật KTNN là cần thiết

Một trong những nội dung nhiều đại biểu quan tâm là bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp đối với KTNN. Đa số ý kiến thống nhất bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN để bảo đảm khách quan cho kết quả giám định trong trường hợp nội dung giám định thuộc lĩnh vực quản lý của chính cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám định và trong một số trường hợp cần thiết khác.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho rằng, việc sửa đổi Luật KTNN là cần thiết, vì trong thời gian qua KTNN đã góp phần thu lại ngân sách rất lớn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan này, đã xuất hiện những bất cập khó khăn do quy định của Luật KTNN, nên việc đề xuất sửa đổi pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa của hoạt động kiểm toán trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị kiểm toán cần bổ sung 3 thẩm quyền cho KTNN vào trong luật.

Một là, chức năng giám định tư pháp: Hoạt động giám định tài chính rất khó và lâu, vì trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đều phải tiến hành giám định. Tuy nhiên, cơ quan giám định làm rất chậm. Trong khi đó, KTNN có thể có đủ năng lực, điều kiện, trình độ để thực hiện các kết luận giám định. Do đó, bổ sung nội dung này sẽ tháo gỡ khó khăn cho cơ quan tố tụng, trong đó có cơ quan điều tra.

Hai là, bổ sung quyền khiếu nại các quyết định kiến nghị kiểm toán cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, để đảm bảo tính dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Ba là, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho cơ quan kiểm toán. Vì khi phát hiện ra, kiểm toán kiến nghị và xác định sai phạm đã được thừa nhận, và có những cá nhân tổ chức không hợp tác thì vấn đề xử lý vi phạm hành chính của kiểm toán là tất yếu.

Góp ý về sửa đổi luật lần này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng nên bổ sung quy định xây dựng mối quan hệ giữa KTNN và địa phương. Ông đánh giá, hệ thống KTNN hiện nay ổn định nhưng quan hệ với địa phương thì chưa tương xứng, mối quan hệ của KTNN nghiêng về phía Quốc hội nhiều hơn.

Phó Thủ tướng đặt vấn đề, dự án Luật nên quy định Trưởng Kiểm toán khu vực có quyền trình bày báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương ở phiên họp Hội đồng nhân dân và Hội đồng nhân dân sử dụng kết quả kiểm toán này để đánh giá, phê duyệt phương án ngân sách, tài chính của địa phương. "Tôi cho rằng đây là điều mà dự án Luật cần quy định, là cơ chế để giám sát, bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ các bên liên quan", Phó Thủ tướng bày tỏ và cho rằng nếu cơ quan soạn thảo và thẩm tra không kịp bổ sung nội dung này thì nên tính toán dãn tiến độ xây dựng dự thảo lại vài năm để làm cho kỹ.

Lan Anh- Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kiem-toan-nha-nuoc-phat-hien-kien-nghi-xu-ly-tai-chinh-hon-92000-ty-dong-120114.html