Kiểm toán Nhà nước giúp giám sát nâng cao năng lực quản trị quốc gia

25 năm qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 414.145 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi. KTNN đã giúp Quốc hội thực hiện giám sát và giúp Chính phủ quản lý điều hành chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực quốc gia, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng.

Toàn cảnh Hội thảo của KTNN. Ảnh: VGP/Huy Thắng.

Toàn cảnh Hội thảo của KTNN. Ảnh: VGP/Huy Thắng.

Đây là một trong những thông tin được khẳng định tại hội thảo khoa học “Kiểm toán Nhà nước trong tiến trình phát triển đất nước” do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức ngày 6/6, tại Hà Nội.

Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho biết, đến nay, KTNN đã có 32 đơn vị cấp vụ gồm 8 đơn vị khối tham mưu, 8 KTNN chuyên ngành, 13 KTNN khu vực, 3 đơn vị sự nghiệp. Tổng nhân sự KTNN khoảng 2.067 người, trong đó đội ngũ kiểm toán viên là 1.606 người, chiếm gần 80%..

Kể từ khi thành lập đến hết năm 2018, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính khoảng 414.145 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế, bịt các lỗ hổng về chính sách, đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Bên cạnh đó, KTNN không ngừng thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác với cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) của các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế.

KTNN Việt Nam hiện là thành viên chính thức của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) từ tháng 7-1996, là thành viên chính thức của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) từ tháng 1-1997, là thành viên của ASEANSAI từ tháng 11-2011.

Thảo luận tại hội thảo, ông Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội khẳng định việc kiểm toán, kiến nghị của kiểm toán góp phần tăng niềm tin trong xã hội và khẳng định vai trò quan trọng của KTNN.

Mới đây, trong một báo cáo gửi Quốc hội trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV với nội dung về kết quả kiểm toán Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2011-2017, KTNN đã chỉ ra nhiều vi phạm ở một số địa phương.

Tuy nhiên, những kết quả mà KTNN đã đạt được chưa đáp ứng được đòi hỏi của người dân, của Quốc hội. Cả nước có 300.000 đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, gần 11.200 xã, 710 huyện và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhưng hàng năm, KTNN chưa thực hiện kiểm toán ngân sách được toàn bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Chất lượng và hiệu lực kiểm toán còn khoảng cách không nhỏ so với yêu cầu.

Góp ý về giải pháp, ông Nguyễn Hữu Vạn, nguyên Tổng KTNN cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung và cho kiểm toán nói riêng. Cần luôn coi trọng xây dựng đội ngũ công chức viên chức và kiểm toán viên, song song với đó là phải cải tiến hoạt động chuyên môn, kiểm soát tốt chất lượng kiểm toán.

Ông Nguyễn Hữu Vạn cho rằng lực lượng kiểm toán viên cần phải nâng cao về số lượng và chất lượng.

Mỗi một kiểm toán viên phải đạt yêu cầu là chuyên gia phân tích tài chính, kinh tế, một số hoạt động có thể phối hợp với kiểm toán độc lập, KTNN chỉ giám sát và từ đó phân tích kết quả từ đó có các chính sách phù hợp, góp phần nâng cao năng lực quản trị quốc gia, như vậy mới đúng tầm của cơ quan KTNN.

“Mỗi năm kiểm toán được 100-200 cuộc, KTNN chủ yếu báo cáo tài chính, bập bõm như vậy không đủ phản ánh bức tranh toàn cảnh việc quản lý kinh tế, làm việc này bỏ việc khác”, ông Vạn nói.

Huy Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/kiem-toan-nha-nuoc-giup-giam-sat-nang-cao-nang-luc-quan-tri-quoc-gia/367765.vgp