Kiểm toán nhà nước đối với dự án PPP: Yêu cầu bắt buộc

Thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), câu chuyện kiểm toán với các dự án thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, bởi đây là một lĩnh vực còn mới mẻ ngay cả trong khâu xây dựng pháp luật cũng như bối cảnh đầu tư PPP nay đã chứa đựng nhiều rủi ro hơn trước...

Theo đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình), Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị), có 3 vấn đề liên quan đến kiểm toán các dự án đầu tư PPP. Một là, kiểm toán giá trị công trình. Hai là, kiểm toán tính tuân thủ bởi như ví dụ của đại biểu Bùi Văn Phương đưa ra, đã xảy ra trường hợp đường một nơi, trạm thu phí một nơi. Thứ ba, kiểm toán về tính hiệu lực, hiệu quả kinh tế của dự án. Liên quan đến yêu cầu thứ ba, theo đại biểu Phương là nhằm mục đích bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) phân tích, bản chất PPP là hoạt động đầu tư của nhà nước để thu hút nguồn lực đầu tư, huy động vốn tư nhân chứ không phải là đầu tư công trình tư nhân. Nhà nước thực hiện đầu tư qua hợp đồng PPP với nhà đầu tư. Ở đây, nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư, thay vào đó nhà nước cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai dự án được thu phí. Mức thu và thời hạn thu do nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Kiểm toán nhằm bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch của các dự án PPP

Kiểm toán nhằm bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch của các dự án PPP

“Do đó, nếu không kiểm toán chi phí đầu tư, không kiểm toán phương án tài chính của dự án công, không kiểm toán toàn diện dự án PPP thì không thể xác định được mức thu phí, thời gian thu phí và cũng không thể xác định được chính xác giá đất được sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư”- đại biểu Hiền nhìn nhận.

Bổ sung thêm vào câu chuyện kiểm toán các dự án PPP, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, thời điểm tiến hành kiểm toán cũng quan trọng không kém nội dung kiểm toán. Theo đại biểu Thành, chỉ nên xác định kiểm toán ở 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là khi công trình đã hoàn thành và chuẩn bị đi vào vận hành. Khi đó, kiểm toán cả quá trình đầu tư, thủ tục, phần vốn nhà nước, tư nhân đóng góp và tổng thể dự án trên cơ sở một số chỉ tiêu cơ bản. Giai đoạn thứ hai là khi dự án đã đi vào vận hành trong một thời gian ổn định thì kiểm toán các chỉ số liên quan đến chất lượng dịch vụ và một số chỉ số cơ bản để đánh giá hiệu quả của dự án. Đây cũng là ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) và đại biểu này lưu ý là cần chú ý kiểm toán ở phần ngân sách nhà nước.

Về các ý kiến của đại biểu Quốc hội, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng - nhấn mạnh: Mục tiêu của dự án Luật PPP để thu hút nguồn lực cá nhân, tổ chức ở trong nước để đầu tư vào hạ tầng kinh tế - xã hội của đất nước, của các địa phương, các ngành trong khi nguồn ngân sách có hạn. Vì vậy, dự án Luật phải đảm 3 yếu tố. Thứ nhất, chống thất thoát, chống lợi dụng, đảm bảo lợi ích của nhà nước. Thứ hai, đảm bảo tính cạnh tranh, an toàn và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Thứ ba, phải tiếp cận với các thông lệ tốt của quốc tế. Bên cạnh đó, nếu thực hiện kiểm toán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn toàn thống nhất là cần phải có kiểm toán của nhà nước. Tuy nhiên, kiểm toán cái gì, nội dung nào, thời gian nào thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất kiểm toán những phần thuộc ngân sách nhà nước. Trong đó, tập trung vào lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, chất lượng dịch vụ và giá trị dự án khi chuyển giao cho cơ quan nhà nước quản lý. Còn doanh nghiệp tư nhân có quyền thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán các hoạt động của doanh nghiệp.

Quang Lộc - Đình Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kiem-toan-nha-nuoc-doi-voi-du-an-ppp-yeu-cau-bat-buoc-138234.html