Kiểm toán lấp lỗ hổng, chống thất thoát nguồn lực đất đai

Ngày 6/12, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa tổ chức Hội thảo khoa học cấp bộ 'Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra'.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ bức tranh, nhận diện hạn chế trong công tác quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên và hiện trạng vấn đề môi trường ở Việt Nam, đặc biệt là những bất cập về chính sách, về việc quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên cũng như việc kiểm soát ô nhiễm môi trường và vai trò của KTNN.

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cùng các đại biểu thảo luận tại Hội thảo. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc khẳng định, đất đai, tài nguyên khoáng sản là những nguồn lực vô cùng quý giá của quốc gia, nếu khai thác quản lý và sử dụng nguồn lực này hiệu quả sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của đất nước.

Thời gian qua, việc phát huy sử dụng nguồn lực đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường đã góp phần quan trọng làm tăng trưởng nhanh về kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách, giảm bội chi ngân sách nhà nước, đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, thực trạng hoạt động quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường có một số hạn chế, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội, lãng phí, thất thoát nguồn lực của đất nước, gây bức xúc trong xã hội.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, về quản lý đất đai, những hạn chế đã được chỉ rõ tại Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI của Đảng đến nay vẫn hiện hữu như: Công tác quy hoạch đất còn thiếu tính toán về hiệu quả kinh tế-xã hội-môi trường; lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng; nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực thất thu NSNN trong lĩnh vực quản lý đất đai còn lớn; nhiều sai phạm nổi cộm liên tiếp xảy ra, các vụ án tham nhũng trong vi phạm đất đai chiếm tỉ lệ cao trong thời gian gần đây là do chấp hành pháp Luật Đất đai không nghiêm, quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm từ các cấp quản lý nhưng cũng có phần do quy định pháp luật lỏng lẻo, chồng chéo, bất hợp lý, gây nên sự lúng túng, hiểu nhầm, cố tình lợi dụng để gây sai phạm làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Có thể dẫn chứng về sự bất cập của chính sách, chẳng hạn áp dụng phương pháp xác định giá đất. Theo quy định hiện hành có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng lại không bắt buộc áp dụng phương pháp nào do đó các cơ quan quản lý tùy tiện áp dụng các phương pháp khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau.

Các phương pháp khác nhau chênh lệch với nhau hàng chục lần giá trị, vì vậy đây là lỗ hổng dễ bị lợi dụng để trục lợi làm thất thoát ngân sách nhà nước. Những sơ hở, hạn chế của phương pháp xác định giá đất không những giữa các phương pháp khác nhau mà còn tồn tại ngay trong từng phương pháp nên việc tính toán đưa ra giá đất sát với giá thị trường khó khả thi, vì chứa đựng nhiều yếu tố chủ quan, giả định, không đủ cơ sở xác định chính xác giá đất. Ví dụ, phương pháp xác định giá đất theo phương pháp thặng dư là phương pháp áp dụng phổ biến nhất hiện nay phụ thuộc 2 yếu tố là doanh thu phát triển bất động sản và chi phí phát triển.

Cả 2 yếu tố này đều xây dựng trên phương án giả định tài sản so sánh chọn mẫu thiếu chính xác; thời gian xây dựng giá và thời gian giao đất khác nhau và chi phí suất đầu tư, chi phí đền bù khác nhau. Do đó, phương pháp này phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của người tính toán, chỉ một điều chỉnh nhỏ của giá tài sản so sánh, hệ số điều chỉnh quy đổi dòng tiền, thay đổi suất đầu tư, chi phí đền bù, dự phòng... đã tác động thay đổi giá đất định giá làm thất thu ngân sách nhà nước.

Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về đất đai là hết sức quan trọng, trong đó hoàn thiện phương pháp xây dựng giá đất là vấn đề quan trọng, cốt lõi tránh lợi dụng, bịt chỗ hổng thất thoát lãng phí.

Còn chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, vụ việc Vũ “nhôm”, Út “trọc”, Thủ Thiêm là những sai phạm điển hình. Giai đoạn 2014 đến nay, sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên, phức tạp, ở hầu hết các nội dung và cấp quản lý, tổ chức cá nhân sử dụng đất. “Mức độ từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng, kéo dài và chậm bị xử lý, gây hậu quả lớn về kinh tế và xã hội. Do đó, cần phải nhận diện, phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời, tránh thất thoát tài sản cho nhà nước và xã hội”, TS Vũ Đình Ánh nói.

Bên cạnh đó, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không phép xảy ra khá công khai nhưng các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp chưa có biện pháp xử lý quyết liệt và triệt để. Việc cấp phép thăm dò, khai thác ngoài vùng quy hoạch, sai thẩm quyền, khai thác vượt công suất theo giấy phép, không lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường, không có thiết kế mỏ, không nộp tiền thuê đất và không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh tài nguyên, khoáng sản còn diễn ra khá phổ biến. Tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản thô làm cạn kiệt tài nguyên tương lai, lãng phí nguồn lực và chảy máu khoáng sản.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc chia sẻ, KTNN đã và đang thực hiện một số cuộc kiểm toán chuyên đề về đất đai, tài nguyên khoáng sản và kiểm toán môi trường. Trên cơ sở những phát hiện kiểm toán, ngoài kiến nghị xử lý tài chính, truy nộp ngân sách nhiều nghìn tỷ đồng, kiến nghị về quản lý, tuân thủ quy định, KTNN đã có kiến nghị thay đổi, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường trong phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, công tác kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản chưa thường xuyên, số lượng ít, việc kiểm toán mới dừng lại ở việc chú trọng kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với NSNN mà chưa đánh giá toàn diện, đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và hiệu lực đối với hoạt động quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản và môi trường hay đánh giá, kiến nghị sâu để thay đổi cơ chế, chính sách.

Lãnh đạo KTNN nhấn mạnh, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán việc quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản và môi trường, KTNN tổ chức Hội thảo này nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán đồng thời hoàn thiện việc quản lý, khai thác và kinh doanh tài nguyên, khoáng sản theo hướng kinh tế, hiệu quả, hiệu lực, chống thất thoát, lãng phí.

Trên cơ sở đó giúp Chính phủ, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả quản lý; Quốc hội, HĐND các cấp giám sát tốt việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản cũng như kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường nhằm phát triển bền vững.

Anh Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/kiem-toan-lap-lo-hong-chong-that-thoat-nguon-luc-dat-dai/354006.vgp