Kiếm tiền tỷ từ việc buôn bán cau ở Thủy Nguyên, Hải Phòng

Huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) được coi là đất cau miền Bắc. Những người buôn bán ở đất cau, nếu may mắn gặp dịp đều có thể kiếm tiền tỷ sau mỗi vụ cau. Những thăng trầm và cơ duyên với quả cau đã giúp họ đổi đời. Mỗi vụ cau kéo dài từ tháng 8 âm lịch cho đến tháng 4 âm lịch năm sau. Ở đây, cây cau là cây trồng chính trong vườn mỗi gia đình.

Cây cau trĩu quả tại vườn anh Lang

Cây cau trĩu quả tại vườn anh Lang

Quả cau trong đời sống người dân Thủy Nguyên

Tích trầu cau có từ trong ca dao, tục ngữ. Trầu cau đã tạo nên nét văn hóa các vùng miền, nét đẹp dân tộc Việt Nam. Không biết trầu cau có từ bao giờ, nhưng tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, trầu cau đã trở nên có ý nghĩa trong cuộc sống tâm linh và đậm nét văn hóa. Không những thế, từ cây cau, nhiều người dân nơi đây đã đổi đời và kiếm được tiền tỷ sau mỗi vụ cau.

Đứng dưới những bóng cây cau, ngước mắt nhìn tán lá, nhìn những quả cau xinh xắn, người viết bất chợt nhớ những câu hát thật ý nghĩa: "Hương cau thoang thoảng tình quê/ Ai qua nơi ấy sẽ mê không về/ Em têm cánh phượng họ trai/ Em về bên họ gái/ Miếng trầu thơm thắm đượm tình em…".

Nhìn người già nhai miếng trầu, miếng cau mới thấy ngon làm sao. Họ ăn cau, ăn trầu như người ta ăn cơm. Dù là lúc buồn lúc vui, ngày đông giá rét, ngày hè nóng bức, thì đôi môi của những người ăn trầu cau vẫn luôn thắm đỏ. Từ xưa, việc ăn trầu cau còn là một cách nhuộm răng tự nhiên, giữ cho răng chắc, không bị sâu và tránh nhức răng. Việc nhuộm răng bằng cách này cũng làm cho răng mang một màu đen bóng.

"Miếng trầu là đầu câu chuyện", đó là thành ngữ tồn tại bao đời nay, trở thành câu nói cửa miệng. Và đương nhiên, đi với trầu là phải có cau mới hợp, mới nên. Ngày lễ, tết, hay ngày cưới hỏi, quả cau không thể vắng mặt. Như ở Thủy Nguyên, ngày cưới, người ta hay dùng cả buồng cau để làm lễ.

Buồng cau phải là buồng cau có lượng quả vừa đủ gần trăm quả, sọ quả phải to tròn, xanh và còn non, “râu tóc” phải đẹp. Bên cạnh đó, còn phải có cơi trầu têm cánh phượng dùng để mời khách trong ngày vui. Quả cau, lá trầu không thể thiếu vào những ngày tuần rằm, lễ tết đặt lên thắp hương ông bà tổ tiên.

Cuộc sống của người dân nơi đây bình dị và luôn gắn bó với quả cau, cây cau. Họ tận dụng từng bộ phận cây cau để làm vật dụng, như chiếc rễ từ tầu cau, thân cau. Thân cau già từ lâu được người Thủy Nguyên phát hiện là chắc như gỗ lim, nên họ ca ngợi: "cau già bằng bà lim", ý nói độ chắc độ bền và dẻo dai của thân cây khi cây cao đã lên “lão làng” không thua kém gì các cây thân gỗ quý hiếm khác, kể cả lim.

Về tuổi thọ cây cau, có cây sống đến 60 năm vẫn cho quả đẹp. Sau những năm tháng dãi dầu mưa nắng, khi đã đạt đến “viên mãn” phần thân, cau già được sử dụng làm giát giường, cây hoành, cây rui mái nhà hay những vật dụng khác...

"Được mùa lúa úa mùa cau, được mùa cau đau mùa lúa", ở đây họ ví cây cau như cây lương thực không thể thiếu trong đời sống, đó là sự sống của họ. Những năm mất mùa thì cau mới đắt, được mùa thì cau rẻ. Được mùa thì họ vui, nhưng khi cau rẻ chỉ từ 1-2 nghìn đồng/kg, họ tiếc không bán, cứ để vậy rồi buồn rầu nhìn những buồng cau vàng như bông lúa cứ từng ngày từng giờ trút quả xuống kín gốc...

Họ luôn nhắn nhủ rằng, người không phụ cau thì cau cũng không phụ người, năm đắt cũng như năm rẻ, họ luôn chăm sóc cho cây cau của mình như con đẻ. Vì thế mà cây cau luôn đứng vững vàng, để cuối cùng những quả cau ngon đẹp được đưa đi khắp nơi, có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước.

Kiếm tiền triệu mỗi ngày từ việc buôn bán cau

Cây cau chăm sóc rất đơn giản, chỉ cần bón phân lân vào mỗi vụ xuân sang và trừ sâu cho cây lá, thì cây cau phát triển bỉnh thường và cho quả đẹp. Chính vì chi phí ít lại dễ dàng hơn các cây trồng khác, nên nhiều năm trở lại đây tại Thủy Nguyên đã có nhiều hộ trồng cau, và diện tích cau ngày một lớn hơn.

Anh Đỗ Lang (xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên), một trong những người kiếm được tiền tỷ từ vụ cau vừa qua, cho biết, anh vào nghề cau từ khi còn rất trẻ. Bây giờ, anh đã ngoài 40 tuổi, nhưng chưa thấy lần nào cau đắt như năm vừa qua. Theo chu kỳ ba năm nhuận thì có một lần cau đắt. Do nhiều yếu tố để diễn ra những mùa cau đắt đỏ này. Vụ cau vừa qua, anh bỏ ra hơn 200 triệu đồng, lãi cũng được non một tỷ.

Buồng cau được cho là đẹp khi được hái xuống

Anh Lang là người thầu cau, tức bỏ một số tiền ra để thầu mua cả vườn của các chủ vườn từ khi vườn vừa thu hoạch xong vụ trước, lời thì ăn, lỗ thì chịu. Anh Lang cười nói: "Được là được vậy, chứ gần chục năm nay, chỉ làm đủ ăn chứ có tý lãi nào đâu, giờ được năm đắt đỏ, kiếm lại lời của mấy năm trước. Làm nghề không theo nghề thì biết làm gì bây giờ".

Có lần cau lên giá, một buồng cau được hơn 2 triệu đồng. Do thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều khiến cau không đậu quả, trong khi nhu cầu cau sấy để xuất sang Trung Quốc tăng mạnh, thương lái mua vét hết lớp cau đầu đi để bán, tránh tình trạng khan hiếm hàng càng mạnh. Lúc đầu đông, nhu cầu trong nước tăng mạnh. Do quả cau tính ấm, các tỉnh miền Bắc ăn cau nhiều, cộng thêm mùa cưới nên cau đắt lên theo.

Gần về cuối năm, nhu cầu càng tăng mạnh. Vào mùa này, cau đẹp bán cũng phải tầm 10 nghìn đồng/quả, nếu đến tay người tiêu dùng phải 15-20 ngàn đồng/quả. Cau đắt “cháy” chợ vào những ngày tết, từ tháng mười một âm lịch cho đến hết tháng ba là mùa của lễ hội, thắp hương cúng bái nhiều. Mỗi xe cau có thể mang về 15 đến 20 triệu đồng. Nếu không mua vườn thì lúc đó lấy đâu ra cau mà bán, nên người dân nơi đây có câu "mua vàng còn dễ tìm hơn mua cau".

Nếu mua vườn thì mình có lãi hơn nhiều so với mua lẻ. Anh Lang tâm sự: Lúc gần tết, cau đắt quá có nhà cũng xé cau của mình đi bán, khi hỏi đến thì họ bảo mất trộm, thôi thì mình cũng cứ ngậm đắng cho là vậy, còn cứ tranh luận là thiệt mình đủ đằng! Nói về mấy năm trước, cau rẻ, thương lái Trung Quốc không ăn, nhu cầu trong nước không hết, cau để đỏ vứt đi hàng tấn, có buồng chục kilogam.

Làm nghề gì ăn nghề ấy thôi, mình trung thành với quả cau thì cơ duyên ấy sẽ cho cơ hội phất lên. Vừa rồi, tôi cũng mua được mấy vườn rồi, khả năng năm tới, cau lại đắt, bởi lẽ đầu mùa cau đã có giá 25 nghìn/kg, trong khi đó, năm ngoái có 10 ngàn đồng/kg. Cách chọn cau đẹp và được giá nhất phải là cau xanh mã mây, xanh nõn chuối... Kinh nghiệm trên đã theo anh Lang hơn hai chục năm qua. Với số lời kiếm được từ việc buôn cau vụ vừa rồi, năm nay, anh Lang đã có một số tiền lớn để xây ngôi nhà mới. Một số hộ gần nhà anh Lang vừa qua cũng kiếm được kha khá, có người kiếm được tiền tỷ như anh Lang.

Ngoài những người mua bán cau như anh Lang, còn có người mua bán kiểu "cau ba mo", là tên gọi những người không mua vườn, mà đi mua lẻ. "Ba mo" là cụm từ chỉ ba thứ phụ thuộc và mỏng manh: vốn không to, ngày công không cao, giá cau lên xuống phụ thuộc vào chủ thu mua. Người ta đi thua mua hằng ngày, và việc trèo hái phải thuê nhân công, mất tiền triệu mỗi ngày. Tuy vậy, thương lái mua được rẻ, nếu thu mua được khoảng 1,5 tấn cau mỗi ngày, chỉ cần ăn chênh lệch từ 1 đến 2 giá. Với số lượng đó, chủ thu mua có thể lãi từ 2-4 triệu đồng/ngày.

Đỗ Đăng Huỳnh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/kiem-tien-ty-tu-viec-buon-ban-cau-o-thuy-nguyen-hai-phong-72383