Kiếm tiền từ di sản

Báo chí mới đây phản ảnh giá vé tham quan vịnh Hạ Long quá cao khiến doanh nghiệp và du khách phàn nàn. Nhiều ý kiến cho rằng phí cao đang làm giá tour đi Hạ Long kém cạnh tranh, thậm chí có những khách du lịch cắt bỏ chương trình tham quan vịnh này.

Ảnh: Kinh Luân.

Từ đầu năm ngoái, tỉnh Quảng Ninh đã tăng giá vé tham quan vịnh Hạ Long lên hơn gấp đôi so với trước, từ 120.000 đồng/vé lên 250.000 đồng/vé. Kể từ đó, những điều bực mình về giá vé cao, về cách tính không hợp lý, chẳng hạn như yêu cầu cả hướng dẫn viên đưa khách tham quan cũng phải trả tiền vé thay vì được miễn phí, lúc nào cũng râm ran trong giới du lịch, chỉ chờ có dịp là bùng phát. Mà đâu chỉ vịnh Hạ Long, những lời than phiền về việc giá vé tham quan các di sản, di tích quá cao và thường bị tăng thêm cũng xảy ra ở nhiều nơi khác, đặc biệt ở các điểm là di sản như phố cổ Hội An, di tích Huế...

Tại nhiều địa phương, nguồn thu từ việc bán vé tham quan các di sản này không hề nhỏ và tăng trưởng theo từng năm. Báo Quảng Ninh điện tử dẫn thông tin từ Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết, ước tính thu phí tham quan vịnh trong chín tháng đầu năm 2017 đạt hơn 801 tỉ đồng, cả năm sẽ đạt 1.000 tỉ đồng. Một số nơi khác như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, mỗi năm một địa phương cũng thu vài trăm tỉ đồng từ việc bán vé tham quan hai địa điểm chính là phố cổ Hội An và di tích Huế.

Nhiều nơi cho rằng việc bán vé tham quan di sản là cần thiết để có thêm nguồn lực tài chính đầu tư lại cho di sản bằng việc trùng tu di tích, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ cho du khách. Điều này đúng và nhiều nước cũng làm như thế, để giữ cho di sản không xuống cấp với thời gian và sự tác động của du lịch. Tuy nhiên, cần tính toán “nguồn lực tài chính” này cần bao nhiêu là đủ, tái đầu tư như thế nào và dùng mô hình nào để tăng nguồn thu, chứ không nên để xảy ra tình trạng mỗi khi cần thêm tiền thì lại tăng phí, đổ gánh nặng vào doanh nghiệp, du khách.

Những di sản như phố cổ Hội An hay vịnh Hạ Long có sức hút nổi trội, giúp tạo dựng thương hiệu với du khách trong nước và quốc tế. Giả sử, nếu Hội An không có phố cổ hay Quảng Ninh không có vịnh Hạ Long thì chưa chắc dòng du khách đã đổ đến đông đảo, kéo theo hàng loạt dịch vụ phát triển nhộn nhịp như hiện nay. Vì thế, khi tính đến chuyện bán vé hay tăng giá vé nên chăng chính quyền cần xem xét dưới góc độ di sản là một sản phẩm du lịch lợi thế của địa phương để từ đó cân nhắc những quyết sách phù hợp.

Khi đã xác định di sản là sản phẩm cốt lõi thì phải gia tăng đầu tư, làm cho sản phẩm thêm hấp dẫn nhằm gia tăng lượng khách để tăng thêm nguồn thu từ các dịch vụ khác, lấy nguồn thu khác để bồi đắp thêm cho di sản chứ không nên chỉ tính đến cách thu tiền trực tiếp bằng bán vé tham quan.

Nhưng ai sẽ là người đầu tư và đầu tư lại cho di sản như thế nào? Thực tế từ nhiều năm qua các địa phương vẫn loay hoay tính không ra bài toán tài chính để trùng tu di sản. Về vấn đề này, có những ý kiến cho rằng nên xác định lại mô hình quản lý. Chính quyền quản lý những di sản đặc biệt, còn những di sản khác thì chỉ nên quản lý chung và giao cho doanh nghiệp khai thác, kèm theo những ràng buộc về bảo tồn di sản, phát triển dịch vụ.

Minh Duy

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/273796/kiem-tien-tu-di-san-.html