Kiểm soát việc xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương

Lâu nay, việc xây dựng các tượng Quốc tổ Hùng Vương phần lớn mang tính tự phát, có những hạn chế về chất lượng nghệ thuật và tính biểu tượng. Nhằm kiểm soát số lượng, chất lượng các công trình này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai dự án quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035 do Chính phủ giao thực hiện và hoàn thành trong quý IV năm nay.

Tượng Vua Hùng tại Đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ.

Chưa có công trình tượng đài đúng nghĩa

Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện có 1.417 di tích liên quan tới tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2012). Hiện nay, phần lớn tượng Hùng Vương được xây dựng trong các đền thờ và một số ít ở không gian công cộng. Tiêu biểu, là hệ thống một tượng Quốc tổ Hùng Vương trong đền thờ và 18 tượng Hùng Vương ngoài trời tại Công viên Văn hóa Ðồng Xanh (TP Plây Cu, Gia Lai); tượng Hùng Vương ngoài trời, trong nhà tại Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh). Ngay cả tỉnh Phú Thọ cũng mới đang triển khai kế hoạch xây dựng tượng đài Quốc tổ tại đền Hùng. Khảo sát tượng Quốc tổ Hùng Vương trên cả nước cho thấy, hiện chưa có công trình nào được xây dựng đúng với tính chất và quy mô của công trình tượng đài.

Các tượng Quốc tổ Hùng Vương đã đáp ứng một phần tâm nguyện "uống nước nhớ nguồn" của người dân; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Song điểm chung là tượng đều do tư nhân tự làm, chưa có sự thẩm định của các cơ quan chuyên môn, chưa thể hiện được tinh thần và vị thế của Vua Hùng.

Các chuyên gia cho rằng, những công trình đã được thực hiện có nhiều hạn chế với phong cách tạo hình và thể hiện khối điêu khắc phần lớn theo lối dân gian truyền thống. Về mầu sắc, các tượng chủ yếu dùng sơn phết mầu, điển hình như tượng Quốc tổ lớn ở chính điện đền thờ Công viên Văn hóa Ðồng Xanh có khối lượng gần 6,5 tấn được sơn thếp vàng, vẽ tả thực thái quá, thiếu thẩm mỹ. Về trang phục, phần lớn được khai thác theo tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau với những họa tiết trống đồng, mũ lông chim, vòng trang sức... Vì thế, việc nhận diện được Vua Hùng khi xây dựng tượng là điều hết sức cần thiết. Một số nhà sử học cho rằng, Vua Hùng là một biểu tượng cao đẹp cần được tôn sùng, nhưng nếu cá thể hóa, thì ngay cả những người làm sử cũng rất khó hình dung.

GS Phạm Mai Hùng, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng đồng quan điểm khi cho rằng, trong lịch sử không có nhận diện về Vua Hùng và đến thời điểm này, chúng ta cũng chưa có đầy đủ tư liệu nhân chủng học để nhận diện. Vì vậy, việc làm tượng Vua Hùng cần được quản lý, nếu không sẽ có rất nhiều Vua Hùng mà không biết ông nào là chính, ông nào là Quốc tổ, ông nào đời thứ bao nhiêu?… Một vấn đề đáng nói nữa, vì nằm trong các khu vui chơi, du lịch nhằm mục đích trang trí cho nên các công trình chưa có quy hoạch tổng thể không gian, kiến trúc để tạo thành điểm nhấn văn hóa; chưa có sự phối hợp, đồng bộ về cảnh quan, hình khối, mầu sắc, ánh sáng...

Cần số lượng ít, chất lượng cao

Vua Hùng có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân; xây dựng tượng đài Hùng Vương chính là tạo ra cơ sở vật chất, biểu tượng văn hóa và để lại di sản cho đời sau. Song thực tế, hoạt động này lâu nay đang đặt ra việc cần thiết phải có quy hoạch để thống nhất quản lý các địa điểm cũng như chất lượng công trình. Dự án quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương do Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nhằm kiểm soát về số lượng, chất lượng các công trình tượng đài Quốc tổ từ nay đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 trong cả nước; đồng thời xác định nhiệm vụ, mục tiêu, địa điểm xây dựng. Mới đây, hội thảo về quy hoạch này đã được tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, quản lý và giới sáng tác. Trong đó, các vấn đề về việc cần nhận diện Vua Hùng để có hình mẫu chung và địa phương nào được xây dựng tượng đài được đặc biệt quan tâm.

Vua Hùng là một nhân vật huyền sử cách đây hàng nghìn năm, có rất ít dữ liệu lịch sử hay những hình ảnh minh họa, sách viết rất chung chung về mặt tạo hình cho nên khá khó khăn khi xây dựng hình mẫu. Thực tế cho thấy, các tượng Quốc tổ Hùng Vương lâu nay thiếu sự đầu tư nghiên cứu, vì thế nhiều tượng đơn điệu, khô khan, xa lạ, không có sức truyền cảm.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đặt vấn đề: căn cứ vào đâu (tư liệu nào) để xây dựng tượng, trong khi việc làm tượng các nhân vật lịch sử cần bám sát chân dung thực? Một số nghệ sĩ lại cho rằng, không nhất thiết tượng đài là phải theo phong cách tạo hình hiện thực; tượng Vua Hùng có thể làm như một biểu tượng, hoặc trừu tượng… Song liệu sự "cởi mở", nhằm gỡ khó cho sáng tạo ấy có thuyết phục được công chúng vốn chưa quen với các ngôn ngữ điêu khắc khác?... Như vậy, khi chưa thống nhất nhận diện Vua Hùng thì không nên xây tượng đài tràn lan, mà nên phát huy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Câu hỏi những địa phương nào được xây dựng và cả nước nên có bao nhiêu công trình tượng đài Quốc tổ cũng được đặc biệt quan tâm. Theo dự kiến, quy hoạch đặt ra một số tiêu chí cho các địa phương, địa điểm được xây dựng tượng đài, gồm: Ðất tổ Hùng Vương (Phú Thọ); địa phương có "vị trí địa lý đặc biệt", có "dấu ấn lịch sử" trong quá trình dựng nước và giữ nước… Song điều quan trọng là ngoài tỉnh Phú Thọ, cần cụ thể hóa, làm rõ hơn nữa các tiêu chí này, bởi nếu không dễ dẫn đến tình trạng nhiều địa phương đều có đủ tiêu chí, có thể xây dựng nếu có nhu cầu.

"Mục đích của quy hoạch là nhằm kiểm soát chặt về số lượng và chất lượng, những địa phương không có đủ tiêu chí chắc chắn sẽ không được tạo điều kiện để xây dựng tượng đài. Cả nước có nhiều nhất từ năm đến sáu, thậm chí chỉ cần hai hoặc ba công trình là được", Phó trưởng Ban soạn thảo Ðề án, Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành khẳng định. Theo ông Thành, tuy cần hạn chế số lượng tượng đài Quốc tổ ở mức thấp nhất, nhưng những mẫu tượng Hùng Vương "chuẩn" có thể được giới thiệu để các nơi làm với quy mô nhỏ, dùng làm tượng thờ phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người dân.

Bài và ảnh: PHƯƠNG LIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/36421302-kiem-soat-viec-xay-dung-tuong-dai-quoc-to-hung-vuong.html