Kiểm soát tốt quá trình sản xuất TĂCN để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng

Trong quá trình chăn nuôi, nếu việc sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN ) không được kiểm soát chặt chẽ sẽ có một số chất gây ô nhiễm trong sản phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe, đe dọa tới sự bền vững của sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và môi trường.

Thông tin trên được các chuyên gia Pháp và Việt Nam cho biết tại hội thảo “Giảm thiểu rủi ro liên quan đến TĂCN đối với sức khỏe người tiêu dùng tại Việt Nam”, tổ chức ngày 16/11 tại TP. Hồ Chí Minh.

Quản lý chặt chẽ quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ giảm thiểu rủi ro liên quan đến thức ăn chăn nuôi đối với sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Xoay quanh chủ đề “An toàn TĂCN và rủi ro về sức khỏe: Giám sát các chất gây ô nhiễm trong TĂCN để đảm bảo an toàn chuỗi thực phẩm”, các chuyên gia đến từ Pháp và Việt Nam đã cùng chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến cách thức tổ chức hệ thống giám sát chất gây ô nhiễm trong TĂCN nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Bà Marion Bordier- Cán bộ nghiên cứu sinh (Bộ Nông nghiệp Pháp)- cho hay, trong quá trình chăn nuôi, nếu việc sản xuất TĂCN không được kiểm soát chặt chẽ sẽ có một số chất gây ô nhiễm trong sản phẩm này sẽ gây hại cho sức khỏe. Những chất này gồm: kim loại nặng, thuốc trừ sâu, dư lượng kháng sinh, gen kháng thuốc... khi bị tồn dư trong TĂCN sẽ có một số tác động lên sức khỏe như gây ung thư, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản...

Theo bà Marion Bordier, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, các cơ quan chức năng phải giám sát mức độ ô nhiễm, theo dõi xu hướng, xác định sớm rủi ro. Về phía cơ quan chức năng phải phát hiện các hành vi lạm dụng hoăc làm giả các chất không được phép sử dụng.

Về cách thức tổ chức hệ thống giám sát, nhà nước phải đưa ra quy định/tiêu chuẩn, thường xuyên đánh giá rủi ro... Thu thập dữ liệu về mức độ ô nhiễm trong TĂCN và nghiên cứu về khả năng tiếp xúc với động vật/người tiêu dùng phát hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro phù hợp dựa trên bằng chứng khoa học.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Pháp, bà Marion Bordier- cho biết, các cơ quan như Tổng Cục Thực phẩm - DGAL (thuộc Bộ Nông nghiệp) và Tổng cục về Chính sách cạnh tranh, Người tiêu dùng và kiểm soát gian lận - DGCCRF (thuộc Bộ Tài chính) sẽ có sự điều phối với nhau để kiểm soát quá trình sản xuất TĂCN. Đồng thời lựa chọn các phương án kết hợp để lồng ghép vào chương trình giám sát chính thức, phân loại chất gây ô nhiễm dựa trên tác động lên sức khỏe con người, vật nuôi, tác động lên môi trường...

Ngoài ra, phía doanh nghiệp cũng có chương trình phối hợp với Hiệp hội chuyên nghiệp của các doanh nghiệp sản xuất TĂCN cũng như có chương trình tự giám sát chung để sản phẩm đưa ra thị trường được an toàn nhất.

Liên quan đến tình hình sản xuất TĂCN tại Việt Nam, bà Hoàng Hương Giang, Phó trưởng Phòng thức ăn chăn nuôi, Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - thông tin, cả nước hiện có khoảng 218 doanh nghiệp sản xuất TĂCN với công suất khoảng 28.200 tấn/năm, trong đó có 71 doanh nghiệp FDI, có công suất trên 15.700 tấn/năm và 147 doanh nghiệp Việt với công suất khoảng 12.465 tấn/năm.

Với sự phát triển ngày càng lớn của ngành chăn nuôi đã kéo theo sự phát triển của ngành sản xuất TĂCN. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp, nếu như năm 2010 sản lượng thức ăn gia súc, gia cầm công nghiệp chỉ 10.598.633 tấn thì đến năm 2016 đạt trên 20.000.000 tấn.

Để quản lý ngành này, Việt Nam đã có Nghị định số 39/2017-CP về quản lý TĂCN, thủy sản và có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5 vừa qua. Trong Nghị định có đưa ra điều kiện lưu hành sản phẩm TĂCN, kiểm tra nhà nước đối với sản phẩm này. Ngoài ra, Việt Nam cũng có quy định về sử dụng kháng sinh, hóa chất trong TĂCN, gia súc gia cầm với danh mục các chất cấm trong TĂCN, danh mục kháng sinh kích thích tăng trưởng được phép sử dụng trong TĂCN, quy định sử dụng kháng sinh phòng, trị bệnh trong TĂCN... Tất cả những quy định này của Việt Nam nhằm kiểm soát tốt quá trình sản xuất, giảm thiểu rủi ro liên quan đến TĂCN đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Mặc dù vậy, hiện nay tại Việt Nam vẫn không ít cơ sở chế biến, sản xuất TĂCN vì lợi nhuận nên sản xuất TĂCN chưa đạt yêu cầu chất lượng, thậm chí có nơi còn trộn chất cấm vào TĂCN. Do đó, để có sản phẩm TĂCN không tồn dư kháng sinh, không có chất gây hại cần sự chung tay của cả phía nhà nước và doanh nghiệp.

Thùy Dương - Nguyễn Phượng

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/kiem-soat-tot-qua-trinh-san-xuat-tacn-de-bao-ve-suc-khoe-nguoi-tieu-dung.html