Kiểm soát tốt dịch bệnh tạo điều kiện cho phát triển ổn định kinh tế - xã hội

Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và đã có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển ổn định các hoạt động kinh tế - xã hội.

Kinh tế - xã hội phát triển tích cực giữa dịch bệnh

Báo cáo tại Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội diễn ra ngày 25/9/2020 tại Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và đã có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển ổn định các hoạt động kinh tế - xã hội.

Đến hết tháng 8/2020, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất, cho vay mới với lãi suất ưu đãi với tổng số dư nợ vay trên 3 triệu tỷ đồng; giảm giá tiền điện 9,2 nghìn tỷ đồng; gia hạn nộp trên 66 nghìn tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất; hỗ trợ 12,4 nghìn tỷ đồng cho gần 12,5 triệu người dân và 23 nghìn hộ kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, với mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng.

Tốc độ tăng trưởng cả năm 2020 ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%, đưa Việt Nam trở thành nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,5 - 3,9% (mục tiêu là dưới 4%). Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 33,6% GDP (mục tiêu là 33 - 34% GDP). Thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài tốt với tổng số vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn, mua cổ phần đạt trên 20 tỷ USD.

Dự kiến, Chính phủ sẽ điều hành đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao năm 2020.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại Phiên họp

Theo các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp, một trong những điểm sáng của Việt Nam năm 2020 cũng như giai đoạn 2016-2020 là kinh tế hội nhập, với việc thúc đẩy triển khai CPTPP và ký kết, phê chuẩn EVFTA. Đặc biệt, với EVFTA, rất nhiều tín hiệu bước đầu cho thấy nền kinh tế đang nhận được những tác động tích cực của Hiệp định này.

8 tháng năm 2020, xuất khẩu đạt 175,36 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ 2019; xuất siêu đạt 13,49 tỷ USD, tăng gấp 2,46 lần cùng kỳ năm 2019.

Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam có độ mở tương đối lớn và đang tiếp tục mở, với tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trên 52%, xuất nhập khẩu trên GDP ở mức 85%. Các đại biểu cho rằng cần làm rõ nét hơn những yếu tố liên quan đến bối cảnh thế giới có thể tác động đến kinh tế - xã hội trong nước, đồng thời có rà soát, đánh giá cụ thể về hiệu quả của các FTA mà Việt Nam tham gia, cùng giải pháp triển khai có hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, trong đó tính đến lĩnh vực quan trọng là phòng vệ thương mại.

Mặt khác, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện khoảng 1%, thấp hơn so với mục tiêu của năm 2020 là khoảng 7%. Vì vậy, cần đánh giá cụ thể hơn những yếu tố, mặt hàng có đóng góp vào xuất khẩu 9 tháng và khả năng thực hiện những tháng cuối năm, bao gồm cả khu vực FDI và khu vực trong nước.

Điểm sáng từ ngành Công Thương

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2020, dự báo một số chỉ tiêu lớn của ngành Công Thương như sau: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp phấn đấu tăng khoảng 3-4% (kế hoạch tăng 8-9%); xuất khẩu ước đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1% so với năm 2019 (kế hoạch tăng 7-8%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 4.986 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 0,92% so với năm 2019.

Dù kết quả của năm 2020 có ảnh hưởng tới thực hiện Kế hoạch chung của toàn giai đoạn 2016-2020, tuy nhiên với những thành tích đạt được trong các năm đầu của thời kỳ Kế hoạch, phát triển ngành Công Thương và tái cơ cấu ngành cơ bản đạt được các kết quả tích cực.

Thứ nhất, ngành Công Thương cơ bản đạt được các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển ngành đã đặt ra:

(i) Tốc độ tăng trưởng bình quân VA công nghiệp ước tăng 7,08% (vượt mục tiêu đặt ra 6,5 - 7,0%/năm);

(ii) tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân ước đạt 10,5% (cao hơn mục tiêu hằng năm do Quốc hội và Chính phủ giao là 7-8%); nhập khẩu kiểm soát tốt với thặng dư thương mại được duy trì trong suốt thời kỳ Kế hoạch (Quốc hội giao nhập siêu dưới 3-3,5%);

(iii) thị trường trong nước ngày càng được mở rộng với tốc độ tăng trưởng bình quân của thương mại bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng khoảng 9,1%;

(iv) Công tác hội nhập quốc tế về kinh tế được tăng cường với 2 FTA quan trọng đã được ký kết (CPTPP và EVFTA).

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Thứ hai, quá trình tái cơ cấu ngành ngày càng đi vào thực chất và hướng vào lõi công nghiệp hóa:

(i) Công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo (từ 13,7% năm 2015 lên 16,48% năm 2019 và dự kiến 16,9% trong GDP) và giảm dần ngành khai khoáng (từ 9,6% năm 2015 xuống 6,72% năm 2019 và dự kiến 6,1% trong GDP); (ii) ngành điện có sự chuyển dịch mạnh theo hướng sử dụng năng lượng xanh và sạch hơn với tổng công suất của điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối đã chiếm xấp xỉ 10% tổng công suất đặt của hệ thống điện; tổn thất điện năng ngày càng giảm, còn 6,5% vào năm 2019 (vượt mục tiêu là dưới 8%);

(iii) Xuất khẩu chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo (từ 80,3 năm 2016 xuống khoảng 85% năm 2020) và giảm dần các ngành khoáng sản (từ 1,97 năm 2016 xuống còn khoảng 1,2% vào năm 2020) và tăng tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao (từ 41,4% năm 2015 lên 49,5% vào năm 2019); tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng nhanh (từ 28,5% năm 2016 lên khoảng 31,4% năm 2020;

(iv) Thị trường trong nước phát triển nhanh với sức mua và cầu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng, đưa Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử với với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt xấp xỉ 27%/năm;

Công tác quản lý, đảm bảo trật tự thị trường nội địa được củng cố, từng bước đảm bảo kiểm soát các hoạt động kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chất lượng và giá sản phẩm, an toàn thực phẩm; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định pháp luật.

Thứ ba, các cân đối lớn của ngành cơ bản được đảm bảo:

(i) Cân đối ngoại thương đạt thặng dư liên tục trong suốt thời kỳ kế hoạch và ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục trong năm 2019 với 10,87 tỷ USD;

(ii) Cân đối cung – cầu năng lượng cơ bản được đảm bảo, trong đó ngành điện cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của người dân với độ tin cậy của cung cấp nguồn điện và lưới điện với chất lượng ngày càng được cải thiện;

(iii) Cân đối cung cầu hàng hóa trong nước cơ bản được thực hiện tốt, góp phần bình ổn giá trên thị trường, đảm bảo đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tham dự Phiên họp

Thứ tư, hệ thống hạ tầng của ngành phát triển tương đối đồng bộ, hiện đại:

(i) hạ tầng nguồn và lưới điện được đầu tư khá toàn diện, đảm bảo cơ bản độ tin cậy về cung cấp nguồn điện và góp phần đưa được điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của tổ quốc từ vùng sâu, vùng xa tới biên cương, hải đảo và cơ bản hoàn thành công tác điện khí hóa nông thôn;

(ii) hạ tầng thương mại phát triển nhanh, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập, mở cửa, tạo kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh hiện đại, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân.

Thứ năm, công tác cải cách thể chế đặc biệt được chú trọng với việc Bộ đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành một số Luật quan trọng trực tiếp đối với các ngành Công Thương như Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Khoáng sản; Luật Điện lực; Luật Quản lý Ngoại thương; Luật Cạnh tranh sửa đổi; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…, qua đó, đã hình thành được một khung khổ cơ bản các Bộ luật điều chỉnh mọi mặt của nền kinh tế và tạo thuận lợi cho phát triển ngành Công Thương; góp phần hoàn thiện thể chế môi trường kinh doanh, đảm bảo khung pháp lý ổn định, minh bạch cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành.

Bộ Công Thương đã cắt giảm được 880/1216 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương với 72,37%), trở thành một trong những Bộ đi đầu cả nước về công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Năm 2021, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021 tăng khoảng 6-6,5%, ngành Công Thương phấn đấu đạt các mục tiêu:

(i) Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 8-9%.

(ii) Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,74% GDP.

(iii) Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 5%.

(iv) Cán cân thương mại tiếp tục duy trì vị thế xuất siêu, với mức thặng dư thương mại tương đương năm 2020.

(v) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 đạt khoảng 5.384,88 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 8%.

(vi) Cân đối về điện: Tổng công suất đặt các nguồn điện dự kiến đạt khoảng 66,9 nghìn MW, tăng khoảng 10,3% so với năm 2020. Tỷ lệ dự phòng công suất nguồn điện (không bao gồm gió và mặt trời) khoảng 21,3%. Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt khoảng từ 268,0 tỷ kWh đến 269,9 tỷ kWh, tăng khoảng từ 9,56% đến 10,36% so với dự kiến năm 2020.

Thy Thảo

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/kiem-soat-tot-dich-benh-tao-dieu-kien-cho-phat-trien-on-dinh-kinh-te-xa-hoi-75272.htm