Kiểm soát tốt dịch bệnh để phục hồi nền kinh tế

Dịch bệnh COVID-19 đã và đang tác động đến nền kinh tế của nước ta. Điều này, thể hiện rõ qua các chỉ số trong các tháng vừa qua của năm 2020. Vấn đề đặt ra là cần sớm có các nhóm giải pháp để kiểm soát được dịch bệnh, tạo điều kiện cho hoạt động, sản xuất kinh doanh được trở lại bình thường.

Dịch COVID-19 ngày càng lan nhanh trên thế giới, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; nhập khẩu đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2020 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, không đạt được mức tăng đột phá trong thời kỳ COVID-19 như tháng 6/2020. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6% - mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn, bất ổn do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 7 tháng giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tiến độ thu ngân sách Nhà nước trong 15 ngày đầu tháng 7/2020 đạt thấp so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động du lịch tuy mới có tín hiệu phục hồi trở lại nhưng tiếp tục quay trở lại vòng khó khăn khi dịch bùng phát trở lại. Ghi nhận lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 7 đạt 13,9 nghìn lượt người, tăng 58,7% so với tháng trước, chủ yếu là khách quốc tế nhập cảnh bằng đường bộ nhưng vẫn giảm 98,9% so với cùng kỳ năm 2019 do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Tính chung 7 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 61,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là khi xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng đặt ra cho nền kinh tế những khó khăn mới khi chưa kịp phục hồi từ đợt dịch lần trước.

Theo Viện Hàn lân Khoa học xã hội Việt Nam, để tạo điều kiện phục hồi nền kinh tế, giải pháp tiên quyết đầu tiên là cần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Trong đó, tăng cường kiểm soát người nhập cảnh trái phép vào nước ta. Những người nhập cảnh bằng đường chính ngạch hợp pháp đều phải cách ly 14 ngày và được tiến hành kiểm tra y tế cẩn thận để đảm bảo người từ bên ngoài vào trong nước không mắc COVID-19. Khoanh vùng dịch để đảm bảo dịch bệnh không lan rộng. Dập dần khả năng lan rộng số ca mắc COVID-19 qua việc xét nghiệm, điều trị và thông qua biện pháp tuyên truyền người dân phòng chống COVID-19.

Để làm được điều này cần chú ý đến yếu tố then chốt là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và sự đồng thuận, quyết tâm cao của người dân như trong đợt dịch trước, đây là cơ sở quan trọng để kiểm soát tốt đợt bùng phát dịch lần này.

Thúc đẩy tiêu dùng phụ thuộc rất lớn và tình hình kiểm soát dịch bệnh. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, lao động tự do sẽ hồi phục các hoạt động kinh tế, tạo ra thu nhập cho người dân và từ đó lại thúc đẩy tăng tiêu dùng. Ngoài ra, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt như đợt trước thì các hoạt động du lịch, ăn uống, nghỉ dưỡng sẽ nhộn nhịp trở lại, góp phần làm tăng tiêu dùng chung của nền kinh tế. Như vậy, giải pháp quan trọng thúc đẩy tiêu dùng là kiểm soát tốt dịch bệnh, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp trên thế giới. Vì thế, việc suy giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài mang tính khách quan, khó có thể có chính sách làm gia tăng đầu tư FDI trong bối cảnh hiện nay, nhất là trong ngắn hạn. Thay vào đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp theo hướng duy trì đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Do vậy, cần thiết hỗ trợ đầu tư tư nhân qua việc giảm lãi suất, giảm các loại thuế, phí, chậm nộp thuế và bảo hiểm xã hội, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa. Thúc đẩy triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, nhất là thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó dịch COVID-19.

Đặc biệt, cần quan tâm tới giải pháp thúc đẩy xuất khẩu. Với tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới chưa có dấu hiệu suy giảm, nếu đảm bảo được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dương của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vào các tháng cuối năm 2020, khả năng sẽ góp phần tích cực để Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.

Vì vậy, trước mắt cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong khi đó tiếp tục chờ đợi dịch COVID-19 được kiểm soát trên phạm vi thế giới để hoạt động sản xuất và xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được phục hồi. Để làm được điều này, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nhận được sự hỗ trợ thông qua các chính sách tiền tệ (lãi suất thấp) và tài khóa (giảm thuế, phí) cũng như tạo thuận lợi, minh bạch, công bằng trong cơ chế chính sách để các doanh nghiệp dễ dàng thúc đẩy xuất khẩu nếu có cơ hội./.

BT

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/kiem-soat-tot-dich-benh-de-phuc-hoi-nen-kinh-te-561858.html