Kiểm soát tốt COVID-19 năm 2021, tăng trưởng ngân hàng sẽ ra sao?

Các nhà phân tích thuộc Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định: Triển vọng chung của ngành ngân hàng năm 2021 sẽ tốt hơn so với ước tính trước đây do ít bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ 2 của dịch COVID-19.

Ngân hàng tiếp tục giảm chi phí, lợi nhuận để hạ lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Ngân hàng tiếp tục giảm chi phí, lợi nhuận để hạ lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Theo đó, ước tính lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng nghiên cứu cho năm 2020 và 2021 lần lượt đạt 110.700 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ và 129.300 tỷ đồng, tăng 17%. Ước tính lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước giảm 6% năm 2020 và sau đó phục hồi 22% trong năm 2021. Ước tính lãi trước thuế của các NHTM cổ phần sẽ tăng 9% trong năm 2020 và tăng 14% trong năm 2021. SSI Research cũng đưa ra đánh giá khả quan với ngành ngân hàng năm 2021; các yếu tố liên quan đến cổ tức bằng cổ phiếu cũng sẽ hỗ trợ tăng giá cổ phiếu ngân hàng trong quý IV/2020.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6% năm 2021 được Quốc hội đặt ra, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cho hay: Tín dụng ngân hàng tăng khoảng 10 - 15% là phù hợp. Dù tín dụng khởi sắc, song thách thức phía trước của ngành ngân hàng vẫn rất lớn.

“Dịch bệnh còn diễn biến khá phức tạp, chưa thấy rõ đỉnh dịch, song có 3 lý do để lạc quan. Thứ nhất, các nước ngày càng có nhiều kinh nghiệm hơn trong chống dịch. Vắc-xin phòng bệnh cũng đã và đang được đưa vào sản xuất. Thứ hai, năm 2020, Việt Nam dù ở nhóm nước ít ỏi có GDP tăng trưởng dương, song mức tăng tương đối thấp. Dựa trên nền thấp này, số liệu sẽ dễ được đẩy lên cao. Thứ ba, kinh tế thế giới đang hồi phục hình theo hình chữ U, nhưng với Việt Nam đang theo hình chữ V. Với những yếu tố trên, cộng thêm động lực tăng trưởng từ kinh tế số, tôi cho rằng, khả năng năm sau GDP có thể tăng 6,5 - 7%. Để thực hiện mục tiêu này, tín dụng năm tới tăng khoảng 10 - 15% là hợp lý”, TS Cấn Văn Lực nói.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, các khoản nợ xấu tiềm ẩn của ngân hàng có thể phát sinh trong tương lai khiến dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, bào mòn lợi nhuận của ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng cần phải chấp nhận trong bối cảnh hiện nay.

Để tránh gặp rủi ro trong vấn đề kiểm soát nợ xấu có thể xảy ra trong tương lai, các ngân hàng cần chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu tiềm ẩn, những khoản nợ xấu đã được cơ cấu lại để phòng xa. Bởi, nếu sau thời điểm Thông tư 01 hết hiệu lực mà khách hàng vẫn không thể trả được nợ, nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng rất mạnh, những ngân hàng chưa chuẩn bị nguồn dự phòng sẽ xoay sở không kịp.

Fitch Ratings là một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế có địa chỉ ở New York và London dự báo: Thu nhập của các ngân hàng năm 2021 sẽ phục hồi nhờ kiểm soát chặt hơn chi phí, hoạt động cho vay dần khởi sắc. Tuy nhiên, sự phục hồi sẽ phần nào bị hạn chế do biên lãi ròng thu hẹp, đặc biệt tại các ngân hàng quốc doanh.

“Vốn hóa của các ngân hàng Việt vẫn còn mỏng trước những rủi ro nhất định trong môi trường hoạt động trong nước. Dù vậy, hoạt động kinh tế phục hồi và khả năng sinh lời của các ngân hàng có thể sẽ tạo ra đủ lợi nhuận giữ lại để hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn, giúp ổn định tỷ lệ vốn hóa”, Fitch Ratings nhận định.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt trên thế giới, Việt Nam càng có cơ sở có một năm phục hồi mạnh hơn, trong đó ngân hàng vốn đang được xem là một trong những lĩnh vực sáng giá sẽ có sự tăng trưởng tốt trong năm 2021 và ngược lại. “Có một điểm tôi đặc biệt lo lắng đó là tình hình nợ xấu, trong trường hợp dịch khó lường, thật khó có thể đong đếm được tác động xấu tới ngành Ngân hàng sẽ như thế nào”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Đồng tình quan điểm này, TS Cấn Văn Lực cho rằng: Tới thời điểm này, mục tiêu giảm nợ xấu xuống dưới 3% vào cuối năm 2020 gần như là không thể. Ước tính, nợ xấu gộp đến cuối năm 2020 sẽ khoảng 4,5%, con số này của năm 2021 có thể tăng lên 5 - 6%. Trích lập dự phòng tăng cao cũng sẽ tác động không nhỏ tới kết quả kinh doanh của ngân hàng trong năm 2021. “Nếu dịch bệnh nếu kiểm soát tốt sẽ giúp sự phục hồi của nền kinh tế nhanh chóng hơn, dần thoát khỏi vùng trũng, đây cũng là yếu tố quyết định không nhỏ tới ‘màu sắc’ của bức tranh ngân hàng năm 2021, cổ phiếu ngân hàng cũng sẽ hiều cơ hội sáng giá hơn”, TS Cấn Văn Lực nói.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/kiem-soat-tot-covid19-nam-2021-tang-truong-ngan-hang-se-ra-sao-20201214173750419.htm