Kiểm soát thực phẩm bữa ăn học đường còn nhiều mối lo

An toàn thực phẩm trong trường học đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Tại Thanh Hóa, cơ quan chức năng đang tăng cường đoàn kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường tại các đơn vị trường học có tổ chức bếp ăn bán trú, qua đó góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các trường trong việc đảm bảo an toàn bữa ăn của học sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để thẩm định, kiểm tra nguồn thực phẩm đầu vào có thực sự “sạch” hay không hiện vẫn là mối lo.

Bếp ăn tại Trường Mầm non Tân Sơn (thành phố Thanh Hóa) đạt tiêu chuẩn bếp ăn 1 chiều.

Bếp ăn tại Trường Mầm non Tân Sơn (thành phố Thanh Hóa) đạt tiêu chuẩn bếp ăn 1 chiều.

Kiểm soát thực phẩm nằm ngoài khả năng của các trường

Trường Mầm non Tân Sơn (phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa) được đánh giá là một trong những đơn vị có chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ tốt nhất của hệ thống các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Từ ngày thành lập, các thế hệ lãnh đạo nhà trường đều coi trọng công tác chăm sóc trẻ, đặc biệt trong việc bảo đảm chất lượng và an toàn bữa ăn tại trường. Nhờ đó, việc tổ chức ăn bán trú chưa có vấn đề gì xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay, khi vấn đề an toàn thực phẩm đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, Ban Giám hiệu nhà trường cũng có nhiều trăn trở, lo lắng.

Trao đổi về vấn đề này, cô giáo Phạm Thị Minh Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Sơn cho biết: Toàn trường có 700 trẻ, chia làm 18 lớp. Do đặc thù về độ tuổi nên nhà trường không thuê các đơn vị bên ngoài nấu mà hợp đồng với một đơn vị cung cấp thực phẩm, tổ chức nấu cho các con ăn tại trường. Mặc dù trường đã thực hiện nghiêm từ khâu kiểm soát thực phẩm đầu vào đến khâu chế biến… tuy nhiên với đặc thù độ tuổi, hệ tiêu hóa còn non yếu, chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ và uy tín nhà trường.

Khó khăn lớn nhất của các trường hiện nay là việc thẩm định thực phẩm đưa vào trường có thực sự sạch không. Trước khi hợp đồng với các đơn vị cung cấp thực phẩm, nhà trường đã tìm hiểu kỹ, xem xét hồ sơ mới ký hợp đồng. Hàng ngày, trường đều cử cán bộ kiểm tra, giám sát chặt chẽ thực phẩm khi đơn vị cung cấp đưa tới.

Tuy nhiên, việc kiểm tra cũng chỉ bằng mắt thường nên không thể biết được thực phẩm đó có thực sự “sạch” hay không? Bởi lẽ chỉ máy móc, thiết bị mới có thể test được thành phần thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh... trong thực phẩm có nằm trong mức cho phép. Các thiết bị này ở các trường hầu như không có. Đây là điều nhà trường rất trăn trở và lúng túng, cô Thanh chia sẻ.

Lo ngại thực phẩm không đảm bảo, Trường tiểu học Phù Đổng (thành phố Thanh Hóa) trồng nhiều rau xanh trong khuôn viên, tuy nhiên, không thể đáp ứng nhu cầu.

Không ký hợp đồng với một đơn vị cố định trong việc cung cấp thực phẩm cho bữa ăn của học sinh, hơn 30 năm nay, Trường Mầm non Ba Đình, thành phố Thanh Hóa lại chọn hình thức hợp đồng với các đơn vị nhỏ lẻ. Theo đó, để tổ chức ăn bán trú cho gần 400 học sinh, trường ký hợp đồng với 17 đơn vị cung cấp thực phẩm. Cũng giống như tất cả các trường khác, nhà trường chỉ kiểm tra thực phẩm bằng mắt thường và đặt niềm tin vào nhà cung cấp thực phẩm sạch.

Đây là vấn đề mà các hiệu trưởng rất trăn trở, mong muốn cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát phía cung cấp thực phẩm. Đơn vị nào không đủ điều kiện kinh doanh, không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm... thì thu hồi giấy phép kinh doanh để thực phẩm “bẩn” không có cơ hội tràn vào bữa ăn học đường - cô giáo Lê Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ba Đình (thành phố Thanh Hóa) cho biết.

Cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng với nhà cung cấp thực phẩm

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 755 trường học tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Hầu hết các trường đều tự lựa chọn nguồn cung cấp thực phẩm, sơ chế, chế biến... mà không sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn sẵn từ bên ngoài. Việc lựa chọn nguồn cung cấp thực phẩm được các trường ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân uy tín nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm nguyên liệu.

Qua tìm hiểu thực tế hiện nay, hầu hết các trường đều đặt niềm tin vào tờ Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị, thành phố cấp cho đơn vị cung cấp thực phẩm. Đơn vị cung cấp thực phẩm cũng coi đó như tờ "giấy thông hành" để hoàn thiện hồ sơ pháp lý trong việc ký hợp đồng cung cấp thực phẩm cho các trường.

Bữa ăn của các học sinh Trường Mầm non Ba Đình (Thành phố Thanh Hóa).

Cô Dương Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (thành phố Thanh Hóa) cho biết: Toàn trường hiện có 1.042 học sinh, trong đó 670 học sinh ăn bán trú tại trường. Để tổ chức bữa ăn cho các con, nhà trường ký hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm sạch có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để xác định sản phẩm đưa vào có đúng do nhà phân phối sản xuất ra hay lại nhập của một đơn vị khác đưa vào là rất khó cho các trường.

Trao đổi vấn đề này, ông Lê Thiệu Phúc, chuyên viên phụ trách an toàn thực phẩm, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND thành phố Thanh Hóa cho biết: Từ lâu nay, các trường đang lầm tưởng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm do Phòng cấp cho các đơn vị cung cấp thực phẩm là tờ giấy chứng minh pháp lý sản phẩm của đơn vị cung cấp là an toàn.

Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, bởi giấy này chỉ chứng minh cơ sở trên có đủ điều kiện về con người và cơ sở vật chất để kinh doanh thực phẩm. Còn để biết sản phẩm đó có thực sự sạch và an toàn hay không thì hiện nay tỉnh Thanh Hóa có 2 đơn vị có đủ điều kiện thẩm định là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (trực thuộc Sở Y tế) và Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thanh Hóa (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Do vậy, các trường cần phải tỉnh táo và tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng với nhà cung cấp thực phẩm.

Trong khi các vùng sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap trên địa bàn không đủ cung ứng ra thị trường, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cần được tăng cường, bởi từ nhận thức sẽ điều khiển hành vi để sản xuất ra sản phẩm an toàn, chất lượng - ông Phúc cho biết thêm.

Thành phố Thanh Hóa đã thực hiện thí điểm mô hình truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm tại địa phương thông qua phiếu xác nhận của các trưởng thôn, tổ dân phố ở 3 xã Quảng Tâm, Thiệu Khánh, Hoằng Lý. Năm 2019, thành phố sẽ triển khai mô hình này ra tất cả các xã, phường trên địa bàn. Theo đó, các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn muốn xuất bán sản phẩm nào đó phải có xác nhận của trưởng thôn, tổ dân phố. Để sản phẩm bán ra thị trường, nếu có vấn đề gì xảy ra sẽ truy được nguồn gốc, xuất xứ. Theo đó, người sản xuất ra sản phẩm đó phải chịu trách nhiệm…

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần quyết liệt hơn nữa, siết chặt quản lý, tăng cường tuyên truyền để từng bước đẩy lùi thực phẩm “bẩn” ra khỏi bữa ăn học đường nói riêng và của toàn xã hội nói chung.

Khiếu Tư (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/kiem-soat-thuc-pham-bua-an-hoc-duong-con-nhieu-moi-lo-20190405123643553.htm