Kiểm soát tăng giá CPI theo mục tiêu

Với “lực đẩy” mạnh của y tế, giao thông, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 đã tăng 0,83% so với tháng 9, và là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Đáng lưu ý, có đến 9 trong số 11 nhóm hàng trong rổ tính CPI tăng giá; trong đó, nhiều mặt hàng tăng mạnh, như nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 10,07% (riêng dịch vụ y tế tăng 13,28%) so với tháng trước.

Tính chung 10 tháng năm nay, CPI tăng 2,27%; lạm phát cơ bản tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2015. So với mục tiêu CPI cả năm tăng 5% mà Chính phủ đề ra, chỉ số CPI trong 10 tháng (tăng 2,27%) vẫn còn khoảng cách khá xa và là cơ sở để tổ điều hành giá nhận định, tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Từ đầu năm đến nay, với nguồn cung hàng hóa thiết yếu dồi dào, đa dạng, giá các mặt hàng này không tăng cao như nhiều năm trước đây. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần bình ổn thị trường và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Chính phủ đề ra. Trong đó, có việc tăng cường quản lý thị trường, hoàn thiện hệ thống lưu thông phân phối theo hướng giảm bớt các tầng nấc trung gian,... Có thể nói, cách điều hành giá linh hoạt, chủ động những tháng đầu năm đã giúp CPI ổn định.

Tuy nhiên, theo phân tích của cơ quan điều hành giá, hai tháng cuối năm sẽ có nhiều yếu tố tác động đến chỉ số giá, cộng với thực tế CPI tháng 10 tăng mạnh cho thấy, chúng ta vẫn cần duy trì cách điều hành linh hoạt, đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc chặt chẽ để giữ ổn định giá tiêu dùng cả năm. Muốn vậy, chính sách tiền tệ phải tiếp tục được điều hành linh hoạt, đồng bộ nhằm điều tiết lượng tiền cung ứng hợp lý, giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động, từ đó, giảm sức ép lên lãi suất cho vay. Đáng lưu ý là mức tăng trưởng tín dụng cần tiếp tục duy trì phù hợp theo định hướng từ đầu năm, tập trung nguồn vốn vào sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên,... hỗ trợ có hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ quyết định giữ ổn định giá bán lẻ điện, bình ổn giá xăng dầu để kiềm chế mức tăng giá tác động đến lạm phát,… cũng là một trong những giải pháp hiệu quả, thiết thực, được cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng ủng hộ. Tuy nhiên, các bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương cần chủ động theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường trong nước của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, đường, muối, sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi...) để có giải pháp điều hành phù hợp. Trong đó, tiếp tục thúc đẩy sản xuất nhằm bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường tiêu dùng trong nước đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Muốn vậy, cần phải có giải pháp tiền tệ để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi nhằm giảm chi phí tài chính, hạ giá thành sản phẩm.

Mới đây, tại cuộc họp với các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành này cần thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, tránh điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế, xăng dầu,… trong thời điểm cuối năm để hạn chế tác động cộng hưởng lên mặt bằng giá chung. Về ban hành cơ chế quản lý đối với các loại phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá kể từ ngày 1-1-2017, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương chỉ đạo, phân công các đơn vị chuyên môn xây dựng, thẩm định phương án giá, ban hành giá để kịp thời áp dụng ngay khi Luật Phí và lệ phí có hiệu lực. Riêng về giá thuốc, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực thực hiện việc đấu thầu thuốc để kéo giá thuốc xuống, còn nếu vẫn bất lợi thì giãn bớt số lượng địa phương cần tăng giá sang năm 2017. Mục tiêu trên hết là kiểm soát giá tăng trong khoảng 5% như Chính phủ đề ra.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31211702-kiem-soat-tang-gia-cpi-theo-muc-tieu.html