Kiểm soát tài sản của cán bộ để kiểm chứng lòng trung thực

Sáng 26/3, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị tập huấn quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là vấn đề kiểm soát tài sản của cán bộ.

 Ông Phí Ngọc Tuyển – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ chia sẻ về một số quy định liên quan đến kiểm soát tài sản của Luật Phòng, chống tham nhũng tại Bộ NN-PTNT. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Phí Ngọc Tuyển – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ chia sẻ về một số quy định liên quan đến kiểm soát tài sản của Luật Phòng, chống tham nhũng tại Bộ NN-PTNT. Ảnh: Minh Phúc.

Tại hội nghị, ông Phí Ngọc Tuyển – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết: Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản liên quan, Cán bộ, công chức cơ quan Nhà nước, tổ chức; viên chức thuộc đơn vị sự nghiệp công lập; người lao động doanh nghiệp nhà nước và sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong ngành công an, quân đội đều phải kê khai tài sản, thu nhập.

Bên bản kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai bằng hình thức niêm yết và công bố tại cuộc họp, tại nơi thường xuyên công tác; các cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm, quá trình bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử...

"Xét về mặt nào đó, việc kiểm soát tài sản, thu nhập là biện pháp để kiểm chứng lòng trung thực của cán bộ, công chức, viên chức...", ông Tuyển nói.

Theo Thanh tra Bộ NN-PTNT, trong đợt kê khai lần này (tháng 3/2021) chỉ thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu. Việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập nêu trên phải hoàn thành trước ngày 31/3/2021.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai nộp 1 bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của Bộ (qua Thanh tra Bộ), thời hạn nộp trước ngày 30/4/2021.

Theo Điều 20, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ, người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định của Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng.

Cụ thể: Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến…

Đối với người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

Minh Phúc

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/kiem-soat-tai-san-cua-can-bo-de-kiem-chung-long-trung-thuc-d287042.html