Kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò quan trọng trong khám bệnh, chữa bệnh

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa gây mê hồi sức và hồi sức tích cực trong cơ sở khám chữa bệnh do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức ngày 30/9, tại Hà Nội.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn: Bước đầu thực hiện giám sát ca bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát vi sinh vật gây nhiễm khuẩn bệnh viện và kháng kháng sinh. Ngành Y tế cũng đã từng bước chuẩn hóa công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, tăng cường vệ sinh bệnh viện, chủ động phòng chống bệnh dịch...

Tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện còn rất cao và đôi khi biến chứng của nhiễm khuẩn bệnh viện còn nặng hơn bệnh mà chính bệnh nhân mắc phải.

Nhấn mạnh đến việc kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò quan trọng trong khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các quốc gia châu Âu khoảng 5%, trong khi con số này tại các nước thu nhập thấp và trung bình là 5,7-19,1%.

“Đây là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện, tỷ lệ tử vong. Nhiễm khuẩn bệnh viện cũng gây quá tải, giảm chất lượng và uy tín bệnh viện và trở thành gánh nặng chăm sóc y tế”, bà Tiến nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã công bố kết quả khảo sát tự đánh giá thực trạng hoạt động liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn tại gần 560 bệnh viện, kết quả cho thấy, chỉ có hơn 46% khoa gây mê hồi sức có dụng cụ được khử khuẩn, tiệt khuẩn tập trung; vẫn còn hơn 11% khoa không giám sát tuân thủ vệ sinh tay và tuân thủ thực hành.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo các đơn vị đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện

Gần 20% khoa gây mê hồi sức trong báo cáo không có khu riêng để xử lý dụng cụ. 11,6% khoa không bố trí phòng để dụng cụ vô khuẩn.

Đáng lưu ý, hơn 1/4 số khoa gây mê hồi sức được khảo sát không sử dụng kháng sinh dự phòng cho người bệnh phẫu thuật. Trong khi đó, việc sử dụng kháng sinh dự phòng nhằm làm giảm vi khuẩn gây bệnh từ các vị trí phẫu thuật, qua đó làm giảm nguy cơ và ngăn ngừa nhiễm khuẩn vết mổ sau phẫu thuật sạch và sạch nhiễm.

Tại khối khoa hồi sức tích cực, chưa đến một nửa số khoa khảo sát có biển báo về khu vực cách ly. Gần 30% khoa hồi sức tích cực có người nhà tham gia chăm sóc.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, nguyên nhân của thực trạng này là do người đứng đầu cơ sở y tế chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động kiêm soát nhiễm khuẩn chưa phù hợp và hiệu quả. Chưa có chính sách thu hút, khuyến khích những người có tâm huyết, có chuyên môn làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Bên cạnh đó, nhân lực điều dưỡng thiếu, chưa thực hiện được chăm sóc toàn diện dẫn đến mỗi người bệnh phải có người nhà vào chăm sóc làm lan truyền vi sinh vật từ môi trường cộng đồng vào bệnh viện và ngược lại…

Để bảo vệ sức khỏe người dân, tại Hội nghị, Bộ trưởng Y tế yêu cầu lãnh đạo các đơn vị cam kết triển khai thực hiện đúng, đầy đủ nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, hướng dẫn chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn do Bộ Y tế ban hành.

Ngoài việc bố trí đủ nhân lực có chuyên môn, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị phải thiết kế/cải tạo cơ sở hạ tầng, trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, điều kiện cho phòng ngừa cách ly, thực hành vô khuẩn, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn.

Đồng thời, đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế, sinh viên, học sinh, người bệnh và người nhà.

Phương Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/kiem-soat-nhiem-khuan-co-vai-tro-quan-trong-trong-kham-benh-chua-benh_t114c9n154657