Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Tổng cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, với tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay dự báo đến năm 2050 Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ.

Trẻ gái và trai đều được bình đẳng - Ảnh: Nam Sơn

Hệ lụy do mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo Tổng cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) (Bộ Y tế), nghiên cứu của các chuyên gia về dân số cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh ở mức gần 114 bé trai/100 bé gái năm 2013 so với năm 1999 là 107 bé trai/100 bé gái. Điều này cho thấy một xu hướng gia tăng tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta. Sự gia này đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lập chính sách, các cơ quan truyền thông đại chúng, và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ trong tương lai, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân, gia đình, dòng tộc mà còn ảnh hưởng tiêu cực đối với dân tộc và sự phát triển bền vững của đất nước.

Việc lựa chọn giới tính trước sinh phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới sâu sắc. Các nghiên cứu của quốc tế và Việt Nam cũng đã chỉ ra các hệ lụy trong tương lai của tình trạng mất cân bằng giới tính hiện nay. Lựa chọn giới tính trước sinh là nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh. Vấn đề này cũng đã được nhấn mạnh trong Chiến lược Quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020.

Nâng cao năng lực công tác thanh tra pháp luật về dân số

Mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng mức sống của người dân mà còn kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác như tình trạng thừa nam, thiếu nữ ở độ tuổi trưởng thành, dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới, có thể gây ra những bất ổn về trật tự an toàn xã hội.

Tổng Cục Dân số - KHHGĐ nêu rõ, nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính từ nhiều yếu tố như văn hóa, xã hội, kinh tế và là một vấn đề liên quan đến phong tục tập quán lâu đời của người dân là trọng nam khinh nữ. Bên cạnh đó tình trạng lạm dụng kỹ thuật, công nghệ trong việc chẩn đoán và can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi vẫn còn khá phổ biến. Thực tế cho thấy, hầu hết các bà mẹ mang thai đến khám và siêu âm đều được người cung cấp dịch vụ cho biết giới tính của thai nhi dưới nhiều hình thức khác nhau. Đây là hành vi vi phạm pháp luật của cả khách hàng và người cung cấp dịch vụ. Chính vì thế việc kiềm chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn nhiều thách thức.

Nhằm cao kiến thức về công tác thanh tra pháp luật về dân số, Tổng cục Dân số - KHHGĐ đã tổ chức các hội thảo tập huấn nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho công chức, viên chức làm công tác dân số của TP.Hải Phòng và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; Các học viên được cung cấp một số kỹ năng truyền thông, tư vấn và vận động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; nắm bắt được các quy định của pháp luật về thanh tra chuyên ngành dân số, đặc biệt là các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh để từ đó có thể áp dụng kiến thức vào thực tiễn của mình cũng như giúp tìm ra những giải pháp phù hợp để thực hiện tốt chương trình dân số tại địa phương.

Nhiều mô hình can thiệp

Ngoài các vấn đề thực thi về pháp luật, các địa phương đã có các mô hình can thiệp giảm mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua tuyên truyền vận đông hoặc có các hình thức biểu dường. Mới đây, trong tháng 10 Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với UBND quận Long Biên biểu dương các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số, có con gái chăm ngoan học giỏi. Phó giám đốc Sở Y tế Hà nội Hoàng Đức Hạnh cho biết: “Phân biệt đối xử với trẻ em gái dù bất cứ nơi đâu trên thế giới này đều là mặt trái xã hội, là sự vi phạm quyền con người, cần phải được chấm dứt. Bé gái cũng như bé trai, xứng đáng được hưởng sự yêu thương, cơ hội và quyền bình đẳng trong suốt cuộc đời mình”, ông Hạnh khẳng định.

Nam Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/kiem-soat-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-1027021.html