Kiểm soát khí thải xe gắn máy để bảo vệ môi trường

TP Hồ Chí Minh có lượng phương tiện giao thông cá nhân rất lớn gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Ðể hạn chế tác hại này, thành phố đang xây dựng đề án thí điểm kiểm soát khí thải xe mô-tô, xe gắn máy đang lưu hành.

Lượng xe mô-tô, xe máy quá nhiều là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng tại TP Hồ Chí Minh.

Lượng xe mô-tô, xe máy quá nhiều là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng tại TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh có lượng phương tiện giao thông cá nhân rất lớn gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Ðể hạn chế tác hại này, thành phố đang xây dựng đề án thí điểm kiểm soát khí thải xe mô-tô, xe gắn máy đang lưu hành.

Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh hiện có 7,4 triệu xe mô-tô, xe máy. Lượng xe máy đã sử dụng hơn 10 năm chiếm tỷ lệ 67,89% (lớn hơn Hà Nội). Ðây là những loại xe thường có lượng phát thải vượt tiêu chuẩn hiện hành. Theo tính toán, thành phố không kiểm soát khí thải xe máy, hằng năm lượng khí thải gia tăng thêm từ loại hình phương tiện này là 68.479 tấn/năm với khí CO, tương ứng mức gia tăng là 15,88%; với HC là 4.475 tấn/năm, tương ứng với mức gia tăng là 12,85%. Do đó, việc kiểm soát khí thải xe máy sẽ giảm lượng khí thải độc hại thải ra môi trường, cải thiện chất lượng môi trường không khí của thành phố. Trước đó, tháng 5-2020, Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố phối hợp Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (ITST) phát động Chương trình thí điểm kiểm tra khí thải xe mô-tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Các chương trình này nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc kiểm soát khí thải xe mô-tô, xe gắn máy, trách nhiệm và quyền lợi của người dân khi tham gia chương trình.

Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Bùi Hòa An cho biết: Chương trình thí điểm kiểm tra khí thải đã đạt được mục tiêu đề ra như: đánh giá hiện trạng phát thải của xe mô-tô, xe gắn máy đang lưu hành; khảo sát, đánh giá tác động kinh tế - xã hội của việc kiểm soát khí thải xe mô-tô, xe gắn máy tới người dân, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức có liên quan. Xây dựng và đề xuất các giải pháp, chính sách, lộ trình để thí điểm kiểm soát khí thải xe máy tham gia giao thông trên địa bàn... Từ đó, kiến nghị các bộ, ngành sớm ban hành, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở cho việc kiểm soát khí thải xe mô-tô, xe gắn máy đang lưu hành. Ông Ðinh Trọng Khang, Phó Giám đốc Viện ITST cho biết: "Triển khai chương trình nghiên cứu thí điểm, kết quả kiểm tra khí thải trước bảo dưỡng cho thấy, đối với 2.740 xe đã lưu hành từ 10 năm trở lên, có 1.077 xe không đạt TCVN khí thải mức 1, chiếm 39,31%; 1.169 xe không đạt TCVN khí thải mức 2, chiếm 42,66%. Kiểm tra 2.570 xe từ bảy đến 10 năm, có 424 xe không đạt TCVN khí thải mức 1, chiếm 16,5%; 536 xe không đạt TCVN khí thải mức 2, chiếm 20,86%. Nếu kiểm soát khí thải xe mô-tô, xe gắn máy, lượng khí thải giảm sẽ là 56.403 tấn CO/năm (13,1%) và 4.808 tấn HC/năm (13,8 %).

Từ kết quả của chương trình nghiên cứu thí điểm nêu trên, Sở GTVT thành phố phối hợp Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Viện ITST xây dựng Ðề án Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô-tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí. Ðề án này đưa ra các phương án kiểm soát khí thải xe máy gồm: Kiểm soát khí thải xe máy theo khu vực; kiểm soát khí thải xe máy theo đối tượng; kiểm soát khí thải xe bằng hình thức thu phí phát thải (công cụ kinh tế); kiểm soát khí thải xe máy bằng hình thức hỗn hợp. Ðề án trải qua hai giai đoạn triển khai, trong đó giai đoạn chuẩn bị (2021 - 2022), thành phố tuyên truyền, vận động sâu rộng trên toàn thành phố về chính sách kiểm soát khí thải. Ðến giai đoạn thử nghiệm (2023 - 2024), thành phố sẽ kiểm tra khí thải toàn bộ xe máy đang lưu hành. Giai đoạn này bắt đầu chia các khu vực theo tiêu chuẩn khí thải và áp dụng cho xe từ 5 năm trở lên, khu vực quận 1, 3, 5 cho phép xe có khí thải đạt mức 2 của TCVN 6438-2018 được lưu thông, các xe vi phạm chỉ bị phạt hành chính nhưng cho lưu thông. Lộ trình thực hiện Ðề án dự kiến từ năm 2021 đến 2030 với tổng kinh phí kiểm định khí thải xe gắn máy là 553,064 tỷ đồng. TP Hồ Chí Minh dự kiến mức phí kiểm tra khí thải là 50.000 đồng/xe/năm; sẽ miễn phí kiểm tra khí thải cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo (có xác nhận của địa phương) và có cơ chế hỗ trợ người dân thay thế xe cũ không đạt chuẩn khí thải.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng. Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả…

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất kế hoạch quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I-2021. Tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí, công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng. Ðồng thời, rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, hoàn thành trong quý IV-2021. Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao ô nhiễm không khí thực hiện nghiêm việc xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý chất lượng không khí của địa phương…

Bài và ảnh: ANH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/kiem-soat-khi-thai-xe-gan-may-de-bao-ve-moi-truong-634464/