Kiểm soát hiện tượng nóng lên toàn cầu: Nhiệm vụ bất khả thi?

Ngày 7-10, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (BĐKH) đưa ra cảnh báo các vấn đề toàn cầu dưới ảnh hưởng của BĐKH sẽ trở nên tệ hơn nhiều so với dự kiến, nhiều tác động tiêu cực đang trong quá trình diễn ra nhanh hơn, trong bối cảnh lượng khí phát thải trên toàn cầu ngày một tăng cao.

Báo cáo của IPCC chỉ ra rằng nạn chặt phá rừng tại Brazil phải được ngăn chặn triệt để, nhằm tránh tình trạng nóng lên toàn cầu diễn ra nhanh hơn. Ảnh: John Stanmeyers/ National Geographic

Theo báo cáo đánh giá toàn diện của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) phát hành ngày 7-10 tại Incheon, Hàn Quốc, tác động tiêu cực từ hiện tượng tăng nhiệt độ trên toàn cầu với mức 1,5 độ C (2,7 độ F) sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nhiều so với dự kiến.

Thập kỷ vừa qua chứng kiến hàng loạt các hiện tượng thời tiết tiêu cực kỷ lục như các cơn siêu bão, các vụ cháy rừng trên diện rộng, hạn hán, hiện tượng “tẩy trắng san hô”, các đợt nắng nóng kỷ lục, các đợt lũ lụt ... diễn ra tại khắp nơi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đó mới chỉ là hệ quả do tác động của hiện tượng tăng nhiệt độ trên toàn cầu với mức chỉ 1 độ C (1,8 độ F).

Với mức 1,5 độ C (2,7 độ F) và 2 độ C (3,6 độ F), mọi thứ sẽ trở nên tệ hại hơn rất nhiều, theo báo cáo mang tên “Báo cáo đặc biệt về hiện tượng tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở mức 1,5 độ C”, được IPCC tổng hợp từ hơn 6.000 nghiên cứu, khảo sát trên toàn thế giới.

Báo cáo của IPCC cảnh báo, trong vòng 20 năm tới, hiện tượng tăng nhiệt độ trên toàn cầu sẽ đạt mức 1,5 độ C nếu không thực hiện việc cắt giảm lượng khí phát thải với khối lượng lớn. Thậm chí, hiện tượng tăng nhiệt độ trên toàn cầu có thể chỉ mất 11 năm để đạt mức tăng 1,5 độ C. Và đáng quan ngại hơn, là cho dù việc cắt giảm lượng khí phát thải được thực hiện ngay lập tức trên toàn thế giới, thì chúng ta cũng chỉ có thể “trì hoãn” được quá trình tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở mức 1,5 độ C mà thôi!

Sử dụng tràn lan nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng tăng nhiệt độ toàn cầu. Ảnh: Leung Ka Wa/The Guardian

“Những hệ quả đáng kể”

Sẽ khó để nhận biết nếu nhiệt độ trong phòng tăng lên ở mức 0,5 độ C (0,9 độ F), nhưng nếu nhiệt độ toàn cầu cũng tăng thêm 0,5 độ C và duy trì vĩnh viễn như vậy lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Báo cáo của IPCC cảnh báo việc tăng thêm chỉ 0,5 độ C nhiệt độ toàn cầu sẽ gây ra những hệ quả đáng kể, gây tác động rõ rệt đối với các hệ sinh thái, các cộng đồng dân cư và các nền kinh tế.

“Việc kiểm soát hiện tượng tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với 2 độ C sẽ làm giảm các tác động tiêu cực lên các hệ sinh thái, sức khỏe con người và môi trường sống”, đồng tác giả báo cáo Priyardarshi Shukla, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Năng lượng thuộc Đại học Ahmedabad tại Ấn Độ cho biết.

Các tác động đó bao gồm cả những cơn siêu bão ngày một mạnh hơn, điều kiện thời tiết thất thường hơn, các đợt nắng nóng kéo dài nguy hiểm hơn, mực nước biển dâng cao nhanh hơn, đồng thời tăng sức phá hủy hạ tầng trên diện rộng hơn và ảnh hưởng tiêu cực hơn đến các loài động vật di cư.

Các trích dẫn khoa học trong báo cáo chính nói trên được tóm tắt trong 34 trang mang tên “Tóm tắt cho các nhà hoạch định chính sách”, đã được thông qua bởi đại diện 195 quốc gia, bao gồm cả Mỹ.

Một người chăn cừu đang lùa đàn cừu của mình tìm đến nơi có đồng cỏ xanh tại ngôi làng Sirohi thuộc bang Rajasthan, phía bắc Ấn Độ. Khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những đợt nắng nóng và khô hạn kéo dài. Người dân sinh sống tại đây đều lo lắng trước dự báo nhiệt độ sẽ còn tiếp tục tăng cao trong tương lai. Ảnh: Riddhima Singh Bhati/The Guardian

Theo “Thỏa thuận Paris 2015”, tất cả các quốc gia trên thế giới thống nhất đồng ý kiểm soát hiện tượng tăng nhiệt độ trên toàn cầu dưới mức 2 độ C (3,6 độ F). Với mức cam kết như hiện nay về việc cắt giảm lượng khí phát thải CO2, thì cho đến năm 2100, nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ tăng thêm ở mức 3 độ C (5,4 độ F). Điều này sẽ dẫn đến các nguy cơ như việc tan chảy các tảng băng vĩnh cửu trên diện rộng, và lại dẫn đến tình trạng tăng nhiệt độ trên toàn cầu vượt khả năng kiểm soát của chúng ta.

Nhà khí hậu học Michael Mann, Giám đốc Trung tâm Khoa học Hệ thống Địa cầu, bang Pennsylvania (Mỹ) chia sẻ: “Hiện tượng tăng nhiệt độ trên toàn cầu giống như khi bạn bước chân vào một bãi mìn, càng bước vào sâu hơn thì càng nguy hiểm hơn. Cho nên, ở mức 1,5 độ C sẽ “an toàn” hơn mức 2 độ C; mức 2 độ C sẽ an toàn hơn mức 2,5 độ C; mức 2,5 độ C sẽ an toàn hơn mức 3 độ C...”.

Ngoài ra, nhà khí hậu học Michael Mann cũng cho rằng, việc duy trì kiểm soát sự tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở mức 1,5 độ C sẽ là cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi ở thời điểm hiện tại.

Tìm kiếm những giải pháp vĩ mô

Trong báo cáo đặc biệt của IPCC cũng đưa ra nhiều lộ trình để duy trì sự ổn định của hiện tượng tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F). Những giải pháp này đòi hỏi những nỗ lực chưa từng có tiền lệ trong việc cắt giảm lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch xuống còn một nửa so với hiện tại trong vòng chưa đến 15 năm tới, và trong vòng 30 năm, phải dừng gần như toàn bộ việc sử dụng nhiên liệu loại này.

Việc này đồng nghĩa với việc tất cả các hộ gia đình, doanh nghiệp và các ngành công nghiệp không sử dụng khí gas và dầu làm năng lượng đốt nóng; không sử dụng xăng hoặc dầu làm nhiên liệu động cơ cho mọi phương tiện giao thông; đóng cửa tất cả các nhà máy năng lượng sử dụng than và khí gas; ngành công nghiệp hóa dầu chuyển đổi hoàn toàn sang ngành hóa học “công nghệ xanh”; và các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép và nhôm bắt buộc phải sử dụng các nguồn năng lượng “không carbon” hoặc áp dụng các công nghệ thu hồi và lưu giữ khí CO2 trong vận hành sản xuất.

Bên cạnh đó, nếu căn cứ trên sự phụ thuộc vào tốc độ cắt giảm lượng khí phát thải, thì đến năm 2050, cần chuyển đổi khoảng từ một đến bảy triệu km2 diện tích canh tác sang trồng cây năng lượng sinh học, đồng thời cần trồng bổ sung thêm 10 triệu km2 diện tích rừng trên toàn thế giới.

Nhưng điều đó vẫn sẽ là chưa đủ, báo cáo cũng cảnh báo, mỗi lượng khí CO2 đã được thải ra trong vòng 100 năm trở lại đây vẫn sẽ tiếp tục “lẩn quẩn” trong bầu khí quyển, đồng thời lưu giữ khí nóng cho đến hàng trăm năm sau.

Theo ước tính, cho đến năm 2045 và năm 2050, vẫn sẽ còn quá nhiều lượng khí CO2 trong bầu khí quyển của Trái Đất. Báo cáo chỉ ra rằng, những khu rừng hoặc những phương pháp “trực tiếp thu giữ” lượng khí CO2 từ bầu khí quyển là cực kỳ quan trọng trong việc duy trì sự ổn định kiểm soát tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F).

Nhà khoa học về khí hậu Katharine Hayhoe thuộc Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) cho rằng, bản báo cáo đặc biệt được coi như “kết quả chẩn đoán bệnh từ bác sĩ”. “Tất cả các xét nghiệm cần thiết đã được thực hiện, và cho kết quả không hề khả quan. Trong trường hợp này, “bác sĩ” (IPCC) đang giải thích về các phương án điều trị khả thi để bảo đảm sức khỏe trong tương lai. Và chúng ta là người quyết định chọn phương án nào để thực hiện”, nhà khoa học Katharine Hayhoe chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khí hậu quốc tế tại Na-uy Glen Peters cho rằng, mục tiêu kiểm soát sự tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 2 độ C (3,6 độ F) là “một thách thức lớn”, đòi hỏi việc loại bỏ hạ tầng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thay thế bằng hạ tầng sử dụng nhiên liệu phi hóa thạch, đồng thời triển khai trên diện rộng việc loại bỏ lượng carbon tồn dư trong bầu khí quyển. “Để kiểm soát mức tăng dưới 1,5 độ C đòi hỏi sự chuyển đổi diễn ra với tốc độ nhanh hơn và sâu hơn so với mức 2 độ C”, Giám đốc Glen Peters tuyên bố.

Sử dụng xe ô-tô chạy bằng năng lượng sạch góp phần cắt giảm lượng khí phát thải ra môi trường. Ảnh: Tesla.

Theo ông Glen Peters, hiện chúng ta đang đi sai hướng, khi tổng lượng khí phát thải trên toàn cầu vẫn tăng khoảng 1,5% vào năm 2017, và năm 2018 được dự đoán sẽ tiếp tục tăng. Nếu không có sự tham gia của tất cả các yếu tố từ kỹ thuật, xã hội đến chính trị, thì mục tiêu kiểm soát mức tăng dưới 1,5 độ C, thậm chí dưới 2 độ C là bất khả thi, ông Glen Peters nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, cán bộ cấp cao của Chương trình Khí hậu toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Thế giới Kelly Levin cho rằng, mục tiêu kiểm soát mức tăng nhiệu độ toàn cầu dưới 1,5 độ C (2,7 độ F) là “một quãng đường rất dài” từ điểm xuất phát là tình trạng hiện tại của chúng ta.

Các mô hình được sử dụng để phát triển các phương án của IPCC nhằm kiểm soát mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 1,5 độ C không bao gồm các phương án có thể giảm lượng khí phát thải, và nhiều người vẫn ưu tiên sử dụng các “phương pháp rẻ tiền nhất”.

Đơn cử, việc nhân rộng áp dụng chế độ ăn kiêng dẫn đến việc giảm lượng thịt được tiêu thụ cũng sẽ làm giảm đáng kể lượng khí phát thải ra môi trường. Đồng thời, việc sử dụng các phương tiện giao thông chạy bằng điện, các tấm pin năng lượng mặt trời cũng sẽ góp phần không nhỏ trong việc cắt giảm lượng khí phát thải ra môi trường.

Vai trò quan trọng của các khu rừng

Theo chuyên gia về rừng Deborah Lawrence thuộc Đại học Virginia (Mỹ), thì các khu rừng có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc cắt giảm lượng khí phát thải. “Các khu rừng cung cấp một “dịch vụ cực kỳ quan trọng” cho nhân loại bằng cách tiêu thụ khoảng 25% tổng lượng khí CO2 của chúng ta”, chuyên gia này cho biết.

Chuyên gia Deborah Lawrence cho biết, việc trồng lại rừng và nâng cao khả năng quản lý rừng có thể “triệt tiêu” lượng lớn khí CO2 ra khỏi bầu khí quyển, ước tính vào khoảng 18% lượng CO2 cần thiết phải triệt tiêu khỏi bầu khí quyển tính đến năm 2030.

Các quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Australia và khối Liên minh châu Âu có thể tăng diện tích trồng rừng của họ một cách đáng kể với mục đích kinh tế, mà không làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Như vậy, khả năng triệt tiêu hàng tỷ tấn khí CO2 khỏi bầu khí quyển là hoàn toàn khả thi.

Rừng nhiệt đới Basin tại Congo là khu rừng nhiệt đới lớn thứ hai trên thế giới (sau rừng Amazon tại Brazil), là nơi cung cấp nguồn nước và thực phẩm cho hơn 75 triệu người dân châu Phi. Ảnh: National Geographic.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ và tăng thêm diện tích các khu rừng nhiệt đới cũng đặc biệt quan trọng, vì các khu rừng nhiệt đới có tác dụng làm mát không khí, đồng thời là yếu tố quan trọng trong việc tạo ra các cơn mưa vùng cho mục đích trồng trọt lương thực.

Theo nữ chuyên gia Deborah Lawrence, gỗ từ các khu rừng trưởng thành ngoài công dụng có thể chuyển đổi thành đồ nội thất, còn có thể sử dụng để làm những “tòa nhà có tác dụng lưu giữ lâu dài khí CO2”. Đó là một trong những lý do mà một tòa nhà cao 12 tầng được làm hoàn toàn từ gỗ sắp được hoàn thiện tại TP Portland, bang Oregon (Mỹ) vào năm 2019 tới đây. Và một tòa nhà cao 24 tầng được làm hoàn toàn bằng gỗ cũng sẽ được xây dựng tại TP Vienna của nước Áo.

Trong cảnh báo được đưa ra bởi liên minh các nhà khoa học trong lĩnh vực lâm nghiệp nêu rõ, để tránh các hiện tượng BĐKH nguy hiểm, các khu rừng hiện vẫn còn tồn tại cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Các khu rừng trên thế giới có khả năng chứa lượng carbon nhiều hơn so với lượng dầu, lượng khí gas và các mỏ than có thể khai thác.

“Khí hậu trên hành tinh của chúng ta trong tương lai được gắn bó chặt chẽ với tương lai của các khu rừng”, các nhà khoa học nhấn mạnh.

* Hướng tới “nền kinh tế carbon thấp”

* 10 bức ảnh phản ánh rõ nét về biến đổi khí hậu trên toàn thế giới

* Huy động nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu

* Hệ quả của biến đổi khí hậu

NGUYÊN MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/37855202-kiem-soat-hien-tuong-nong-len-toan-cau-nhiem-vu-bat-kha-thi.html