Kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi nông hộ

Toàn tỉnh hiện có 2.334 gia trại, hơn 190.197 hộ chăn nuôi lợn nhỏ, lẻ nằm phân tán trong các khu dân cư, chiếm hơn 63% tỷ lệ chăn nuôi của tỉnh.

Kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi nông hộ

Phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, kiểm soát dịch bệnh tại xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc).

Toàn tỉnh hiện có 2.334 gia trại, hơn 190.197 hộ chăn nuôi lợn nhỏ, lẻ nằm phân tán trong các khu dân cư, chiếm hơn 63% tỷ lệ chăn nuôi của tỉnh.

Đây được xem là hình thức chăn nuôi góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế nông hộ. Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi này luôn tiềm ẩn nguy cơ cao và khó kiểm soát dịch bệnh. Thực tế diễn biến các loại dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi những ngày qua cho thấy, những ổ dịch đã xuất hiện tại các địa phương thời gian vừa qua đều từ các hộ chăn nuôi. Trước đó, dịch lở mồm, long móng diễn biến phức tạp cũng chủ yếu trên đối tượng vật nuôi được chăn nuôi theo hình thức nông hộ.

Sở dĩ chăn nuôi nông hộ tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao là do đây là hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng, chuồng trại chăn nuôi không được xây dựng kiên cố, đồng bộ; hơn nữa trong quá trình chăn nuôi, do tâm lý chủ quan, các hộ chưa tuân thủ nghiêm ngặt công tác thú y, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng, nên con nuôi dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, do chăn nuôi nông hộ được nuôi phân tán, nên khả năng kiểm soát môi trường, kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn. Khi xuất hiện bệnh dịch, công tác phòng, chống gặp nhiều hạn chế, nguy cơ lây lan cao.

Để chủ động phòng, chống, kiểm soát các loại dịch bệnh trong chăn nuôi nông hộ, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh từ huyện, thị xã, thành phố đến xã, thị trấn để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là các hộ chăn nuôi về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên các đối tượng con nuôi là gia súc, gia cầm; đồng thời, thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh để người dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống. Cùng với đó, ngành nông nghiệp và các địa phương còn tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, nâng cao năng lực giám sát dịch bệnh đến tận các thôn, xóm, hộ chăn nuôi thông qua việc công khai các địa chỉ tiếp nhận thông tin khai báo dịch bệnh cấp xã để người dân chủ động thông tin khai báo kịp thời, ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Tổ chức tiêm phòng vắc-xin để tạo miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng để đánh giá hiệu quả của vắc-xin đã tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Tổ chức cho các hộ chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các chuồng trại chăn nuôi, khu vực có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh thông qua việc đẩy mạnh quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, khuyến khích xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quản lý sử dụng vật tư, vắc-xin, hóa chất, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

Để triển khai có hiệu quả các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nhất là trong chăn nuôi nông hộ, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã huy động 72.879 lít hóa chất, 372 tấn vôi bột để triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ và các sản phẩm của gia súc, gia cầm. Định kỳ triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn những khu vực có nguy cơ cao. Thực hiện lấy 316 mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán, giám sát bệnh dịch tả lợn Châu Phi, dịch lở mồm, long móng, tai xanh. Phân bổ vắc-xin để các địa phương chủ động thực hiện công tác tiêm phòng. Tính đến ngày 4 - 4-2019, toàn tỉnh đã tiêm vắc-xin cúm gia cầm H5N1 cho 1.335.000 con gia cầm, đạt 11,11% diện tiêm; tiêm vắc-xin dại cho 290.700 con chó, mèo, đạt 81,84% diện tiêm; tiêm vắc-xin tụ huyết trùng cho 173.823 con trâu, bò, đạt 57,72% diện tiêm; tiêm vắc-xin lở mồm, long móng cho 203.000 con gia súc, đạt 67,41% diện tiêm; tiêm vắc-xin tụ dấu cho 121.635 con lợn, đạt 25,3% diện tiêm và tiêm vắc-xin dịch tả cho 182.655 con lợn, đạt 37,13% diện tiêm.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: Việc thực hiện nghiêm công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, vệ sinh tiêu độc, khử trùng, quản lý giống hiện đang là những biện pháp giúp kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ. Vì vậy, các cấp chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyền truyền, nâng cao nhận thức về chủ động phòng, chống dịch bệnh cho hộ chăn nuôi. Tuân thủ nghiêm các quy định về tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng, vận chuyển, giết mổ. Kiểm soát tốt nguồn giống và thức ăn trong quá trình chăn nuôi.

Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/kiem-soat-dich-benh-trong-chan-nuoi-nong-ho/99398.htm