KIỂM SOÁT ĐÀ TĂNG GIÁ CUỐI NĂM

Những tháng cuối năm, một số mặt hàng thiết yếu, như: Xăng, thực phẩm đã điều chỉnh tăng giá, cùng với dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng lên cao, có thể gây tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Do vậy, công tác điều hành giá cả, điều tiết thị trường càng cần được quan tâm hơn, chủ động, linh hoạt, tránh các yếu tố cộng hưởng, dây chuyền làm tăng giá bất hợp lý.

Việc giá cả có xu hướng tăng vào dịp cuối năm vẫn là một quy luật của thị trường khi nhu cầu tăng cao, người dân chi tiêu, mua sắm nhiều hơn để chuẩn bị đón Tết. Bên cạnh đó, một số yếu tố khách quan cũng tác động đến tăng giá. Giá xăng trong hai lần điều chỉnh gần đây nhất đã nhích lên, tuy không lớn nhưng có thể gây áp lực đến một số loại hình dịch vụ nhất định, đặc biệt là dịch vụ vận tải. Một trong những mặt hàng tăng giá nhanh nhất thời gian qua là thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nguồn cung thiếu hụt. Đây cũng là mặt hàng không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền, nếu không bảo đảm được nguồn cung có thể khiến giá cả khó kiểm soát. Thực tế, CPI tháng 11-2019 đã tăng 0,96% so với tháng trước, chủ yếu do giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao. Tuy nhiên, CPI bình quân 11 tháng năm 2019 chỉ tăng 2,57% so với cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

 Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh. Ảnh: TTXVN

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh. Ảnh: TTXVN

Những năm qua, một trong những điểm sáng của công tác quản lý, điều hành nền kinh tế nước ta là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chúng ta đã kiên trì thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ, bảo đảm cân đối cung-cầu. Nhờ vậy, lạm phát nhiều năm liền ở mức thấp, năm 2019, dự báo ở mức 3,3-3,5%, vượt kế hoạch được giao, tạo thuận lợi lớn cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Tuy nhiên, diễn biến thị trường luôn tiềm ẩn yếu tố bất ngờ, chịu tác động từ các điều kiện chủ quan, khách quan, vì thế, việc đánh giá đúng tình hình, chủ động các giải pháp bình ổn cần được tích cực triển khai. Đối với mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày như thịt lợn, việc bổ sung nguồn cung là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, đàn lợn cả nước suy giảm đáng kể. Tín hiệu đáng mừng là dịch tả lợn châu Phi đã từng bước được kiểm soát, ở nhiều nơi đã bảo đảm các điều kiện để tái đàn, kéo dài thời gian nuôi, tăng sản lượng. Đồng thời, cần quản lý chặt chẽ thương mại ở khu vực biên giới để tránh nguồn cung trong nước bị thẩm lậu ra bên ngoài.

Ngoài quy luật cung cầu, giá cả thị trường cũng chịu ảnh hưởng của yếu tố tâm lý, một mặt hàng tăng giá kéo theo những sản phẩm khác "tát nước theo mưa". Để ngăn chặn hành vi làm nhiễu loạn thị trường, công tác quản lý nhà nước cần được tăng cường hơn nữa, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình đẩy giá bất hợp lý nhằm trục lợi. Các công cụ như quỹ bình ổn giá cần được sử dụng hiệu quả, tránh những "cú sốc", nhất là với các mặt hàng nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào của sản xuất, dịch vụ. Thông tin về thị trường cần được chuyển tải đến người dân, doanh nghiệp kịp thời, tránh tâm lý hoang mang, từ đó làm triệt tiêu cơ hội của hành vi đầu cơ, "làm giá". Với sự phong phú, đa dạng của các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường nước ta hiện nay cũng như sự chủ động bảo đảm nguồn cung của doanh nghiệp, điều tiết hợp lý từ Nhà nước, sẽ không để xảy ra khan hàng, sốt giá, tạo niềm tin cho người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nhất là cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2020.

ĐỖ MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/kiem-soat-da-tang-gia-cuoi-nam-604524