Kiểm soát chặt việc khai thác cát ở gần VQG Cát Tiên

Hiện nay, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai đoạn qua Vườn quốc gia Cát Tiên đã lắng xuống nhưng vẫn chưa được xử lý tận gốc. Thời gian qua, khai thác cát trái phép đã làm sạt lở hơn 27 ngàn m2 đất rừng.

Do khai thác cát trên sông Đồng Nai nên nhiều khu vực rừng Cát Tiên bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh:H. Giang

Do khai thác cát trên sông Đồng Nai nên nhiều khu vực rừng Cát Tiên bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh:H. Giang

Vườn quốc gia Cát Tiên có hơn 94km đường sông Đồng Nai bao quanh và cũng là ranh giới tự nhiên giữa các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước và Đắk Nông. Những năm trước, có 10 tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó 9 giấy phép được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp và 1 giấy phép UBND tỉnh Đồng Nai cấp. Việc khai thác cát đã dẫn đến nhiều vị trí thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên bị sạt lở.

* Nhiều vị trí sạt lở

Giai đoạn trước năm 2019, có 10 tổ chức, cá nhân được cấp phép tập trung khai thác cát ở khu vực phía Bắc đoạn từ thác Trời đến thác Khỉ dài khoảng 18km, khu vực từ xã Nam Cát Tiên đến xã Tà Lài (H.Tân Phú) 7,4km, khu vực Bến Cầu. Trong thời gian này, ngoài những tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động thì cũng có những tổ chức, cá nhân không được cấp phép hoặc giấy phép đã hết hạn đưa phương tiện vào hút cát dẫn đến 35 vị trí bị sạt lở tại khu vực phía Bắc và khu vực Bến Cầu. Khu vực phía Bắc có 18 vị trí bị sạt lở với tổng diện tích 22,7 ngàn m2. Vị trí sạt lở lớn nhất dài 660m, rộng 5-10m, nhỏ nhất dài 27m và rộng 3-5m.

Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên Phạm Hồng Lượng cho biết: “Trước đây, khai thác cát có phép, không phép đã khiến cho nhiều vị trí thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên bị sạt lở nghiêm trọng. Một số khu vực, cây rừng bị đổ nằm dưới nước ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng”. Tình trạng trên đã được Vườn quốc gia Cát Tiên báo cáo UBND tỉnh và tỉnh đã làm việc với tỉnh Lâm Đồng. Đến cuối năm 2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản tạm dừng các hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng.

Từ năm 2019 đến nay, có 4 tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản trên sông Đồng Nai thuộc khu vực phía Bắc của Vườn quốc gia Cát Tiên. Khi các tổ chức được cấp phép khai thác cát trở lại, Hạt Kiểm lâm đã chỉ đạo các trạm kiểm lâm trên địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền các đơn vị được cấp phép phải hoạt động theo đúng quy định.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên, đầu năm 2020, các trạm kiểm lâm đã phối hợp với công an H.Tân Phú phát hiện, bắt giữ 3 vụ khai thác cát trái phép của Công ty TNHH Phượng Hùng và HTX Xây dựng và công nghiệp Phú Thịnh để chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý. Hiện tại tình trạng khai thác cát trái phép đã giảm hẳn.

* Dừng khai thác cát

Đặc điểm của hoạt động khai thác cát dưới lòng sông là không gây hậu quả tức thì mà sau đó một thời gian (khoảng từ 6-12 tháng) mới xảy ra hiện tượng sụt lún, sạt lở đất...

Khảo sát thực tế khu vực đầu nguồn sông Đồng Nai đoạn qua Vườn quốc gia Cát Tiên cho thấy, nhiều nơi bị sạt lở nghiêm trọng, đất, cây rừng bị quăng xuống sông từng mảng lớn và tình trạng này có thể còn tiếp diễn khi vào mùa mưa nước lũ từ thượng nguồn đổ về nhiều.

Vào trung tuần tháng 3-2020, khi làm việc với Vườn quốc gia Cát Tiên về công tác quản lý, bảo vệ rừng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: “Vườn quốc gia Cát Tiên được đánh giá cao về tiềm năng đa dạng sinh học và được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Khu ngập nước Ramsar, Khu di tích quốc gia đặc biệt. Do đó, tỉnh ngưng cấp phép khai thác cát trên sông Đồng Nai đoạn qua Vườn quốc gia Cát Tiên để bảo vệ rừng. Đồng thời, tăng cường lực lượng kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép”.

Vườn quốc gia Cát Tiên có diện tích gần 82,6 ngàn ha nằm trên địa bàn 3 tỉnh là Đồng Nai gần 51 ngàn ha, Lâm Đồng hơn 27,3 ngàn ha và Bình Phước gần 4,4 ngàn ha. Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT thì Đồng Nai là nơi giữ rừng tốt nhất khu vực Đông Nam bộ. Tỉnh đã tiến hành đóng cửa rừng hơn 20 năm nên còn giữ được hơn 165 ngàn ha rừng, trong đó đa số là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu H.Định Quán, H.Tân Phú phối hợp chặt chẽ với Vườn quốc gia Cát Tiên xử lý nghiêm những trường hợp khai thác trái phép rừng, cát trên thượng nguồn sông Đồng Nai gây sạt lở đất rừng. Đồng thời, Vườn quốc gia còn kết hợp với các địa phương phát triển du lịch rừng để tăng thêm nguồn thu cho ngân sách và có thêm nguồn kinh phí đầu tư chăm sóc, bảo vệ rừng tốt hơn.

Hương Giang

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202011/kiem-soat-chat-viec-khai-thac-cat-o-gan-vqg-cat-tien-3030831/