Kiểm soát chặt thông tin trên Youtube

Chỉ với vài thao tác đơn giản trên Youtube, người dùng có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm video có nội dung bạo lực hoặc kích động hành vi phạm pháp.

Được núp bóng dưới những câu chuyện dạng "hành hiệp trượng nghĩa" hoặc "bênh vực người yếu thế", những clip dạng này đang đầu độc người xem hàng ngày nhằm kiếm lợi thông qua lượt xem.
"Giang hồ mạng"
lộng hành trên Youtube
Trong vài năm trở lại đây, tại Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện khái niệm "giang hồ mạng" nhằm chỉ những đối tượng thường xuất hiện trên mạng xã hội như Facebook, Youtube... thể hiện lối sống ăn chơi, trác táng, hay nói đạo lý, dạy đời và thường xuyên có cách hành xử kiểu chợ búa, ngoài vòng pháp luật. Có thể dễ dàng liệt kê ra những thành phần này như Khá "Bảnh", Quang "Rambo", Phú "Lê", Huấn "Hoa Hồng"... Mặc dù không ít "giang hồ mạng" đã dính phải vòng lao lý ngoài đời thực nhưng không vì thế trào lưu ảo này giảm đi mà càng ngày càng có xu hướng bùng phát hơn.

 Thời gian qua rất nhiều các clip bạo lực thường xuyên xuất hiện trên Youtube. Ảnh: Chiến Công

Thời gian qua rất nhiều các clip bạo lực thường xuyên xuất hiện trên Youtube. Ảnh: Chiến Công

Khác với những "đàn anh" đi trước như Khá "Bảnh", Quang "Rambo"... chủ yếu đăng tải lên Youtube các clip chửi bới, ăn chơi, "giang hồ mạng" hiện tại lại tự tạo cho mình những vỏ bọc dưới dạng "hành hiệp trượng nghĩa" hoặc "bênh vực người yếu thế" để từ đó đưa ra cách xử lý các tình huống mang đậm màu sắc bạo lực và trái pháp luật. Chính mô típ dạng này đã giúp những kênh Youtube cùa các "giang hồ mạng" thế hệ mới luôn tăng mạnh về lượng người theo dõi theo thời gian, thậm chí có địa chỉ đã có tới hơn 1 triệu người đăng ký thường xuyên.
Lướt qua những kênh Youtube như "Thắng Cá Chép" với gần 1,2 triệu lượt người theo dõi, có thể dễ dàng tìm thấy những video có nội dung bạo lực, vô pháp núp bóng "bảo vệ lẽ phải" như "Tát Lệch Mặt Dược Sỹ Bố Láo Bán Khẩu Trang Giá Cao" hay " P.H.A.N.G Nát Kính Nhóm Thanh Niên Hổ Báo Đánh Bà Bầu Nhập Viện"... Hay kênh "Hưởng Râu Official" với hàng loạt clip tương tự như "Được đại ca ra tù giúp đỡ giải quyết nhóm côn đồ", "Dẫn anh em đi xử lý đại K nhóm đánh thuê"... Ngoài ra, còn hàng loạt kênh khác như HAYZOtv, Miu Tha Thu .. cũng tràn ngập những video dạng này.
Theo dõi những clip trên, người xem có thể dễ dàng nhận ra nội dung chính là nhằm cổ vũ các hành động vi phạm pháp luật để giải quyết các tình huống xung đột ngoài cuộc sống. Và cách thức được những video này nêu ra cũng đậm màu bạo lực như đánh đấm, phá hoại tài sản hoặc thậm chí là đâm chém nếu tình huống đó có thể thu hút thêm người xem.
Đáng chú ý, mặc dù có nội dung phản cảm và độc hại nhưng những clip dạng trên lại thu hút lượng người xem cao đến đáng kinh ngạc. Có thể kể đến như clip "Xử Lý Giúp Đỡ Anh Shiper Bị Côn Đồ Bắt Nạt Khi Va Chạm Giao Thông" với hơn 9,2 triệu lượt xem, "Xử Lý Chủ Nhà Trọ Láo Toét Lừa Tiền Em Sinh Viên Nghèo" với hơn 8 triệu lượt xem hay "P.H.A.NG N.H.A.U Với Nhóm Côn Đồ Bắt Nạt Nhân Viên Karaoke" với hơn 6 triệu lượt xem ...
Theo tìm hiểu, mặc dù hầu hết video dạng trên đều được dàn dựng, làm theo kịch bản có sẵn nhằm mục đích câu view nhưng rõ ràng với những nội dung cổ súy cho các hành động bạo lực, trái pháp luật dạng này đang tạo ra một luồng tư tưởng xấu, ảnh hưởng không nhỏ tới những người trẻ, đối tượng theo dõi chính của clip. Do vậy, đã đến lúc cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh nhằm đóng lại những kênh có nội dung xấu như trên, nhằm tránh để tư tưởng tiêu cực có cơ hội lây lan ra cộng đồng.
Quyết liệt ngăn chặn
Nhận thấy tính nghiêm trọng của những video có nội dung xấu, kích động bạo lực, cổ súy lối sống lệch lạc có thể tác động xấu tới xã hội, đặc biệt là giới trẻ, trong khoảng hơn một năm trở lại đây các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực vào cuộc nhằm ngăn chặn các clip dạng này. Thông tin từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, tính tới hiện tại, lực lượng chức năng đã yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa hơn 6.300 clip có nội dung xấu, phản cảm, khóa 3 kênh Youtube (gồm 2 kênh của Khá "Bảnh" và 1 kênh của Dũng "trọc"). Bên cạnh đó, một số cá nhân là các vlogger có lượng người theo dõi lớn thường xuyên sản xuất các nội dung nhảm, phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục cũng đã bị xử lý vi phạm hành chính.
Thậm chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khá "sốt ruột" trước tình trạng này khi vào hồi tháng 10/2020 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT, Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, xử lý các video có nội dung nhảm nhí, giật gân xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Ðiều này cho thấy việc kiểm soát các nội dung xấu độc trên môi trường internet đang có sự tham gia mạnh mẽ và quyết liệt từ phía cơ quan chức năng.
Tuy nhiên sự cố gắng không chỉ ở mình phía Việt Nam là đủ, theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT), trong thời gian qua, mặc dù đơn vị này đã nhiều lần cảnh báo và gửi yêu cầu xử lý đối với các video trên Youtube có nội dung kích động bạo lực, vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam nhưng vẫn chưa được Công ty Google giải quyết triệt để. Do đó, mới đây, Cục PTTH&TTĐT đã có đề xuất gửi tới Google nhằm yêu cầu hãng này tăng cường rà soát, chấn chỉnh vấn nạn video độc hại trên trang Youtube. Phương án được phía Cục đưa ra là Google phải ngừng việc chia sẻ tiền quảng cáo đối với các kênh Youtube có nội dung nhảm nhí, bạo lực, giật gân khi có yêu cầu của Cục, nhằm bảo vệ người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ. Nếu kênh tiếp tục vi phạm, Cục sẽ đề nghị Youtube ngăn chặn, gỡ bỏ kênh.
Bên cạnh đó, Google cũng cần tăng cường bộ lọc và công cụ kỹ thuật để chủ động rà soát, phát hiện các kênh, video có nội dung nhảm nhí, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ để tiến hành ngăn chặn, gỡ bỏ. Đồng thời, Google cũng phải có biện pháp bắt buộc các kênh Youtube được bật kiếm tiền tại Việt Nam đăng ký vào các công ty quản lý mạng đa kênh (MCN) của Youtube tại Việt Nam nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động của các kênh này.
Mặt khác, Cục PTTH&TTĐT cũng yêu cầu các MCN của Youtube tại Việt Nam phải tăng cường rà soát, chấn chỉnh các kênh Youtube thuộc mạng lưới quản lý của mình. Theo đó, MCN phải yêu cầu các chủ kênh Youtube tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam trong việc cung cấp, quản lý nội dung và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ liên quan đến thuế. Không đăng tải các video clip có nội dung vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, ví dụ như các kênh, video hướng tới đối tượng người xem là giới trẻ nhưng có hình ảnh dung tục, phản cảm, nội dung nhảm nhí, cổ súy việc chơi cờ bạc, thử ma túy, kích động bạo lực...
Cùng với đó, các MCN cũng cần tăng cường giám sát, bổ sung nhân sự, bộ lọc và công cụ kỹ thuật để chủ động rà soát, phát hiện các kênh, video có nội dung vi phạm để kịp thời xử lý. Cục PTTH&TTĐT sẽ phối hợp với cơ quan liên quan xử lý nghiêm các đối tượng chủ kênh Youtube và các MCN vi phạm.

"Tổ chức, người dân nếu phát hiện video xấu, độc thì có thể báo tới đường dây nóng của Bộ TT&TT để xử lý. Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp cùng Youtube để nâng tỷ lệ thực thi pháp luật tại Việt Nam lên con số 100%. Năm 2021, Bộ TT&TT cũng sẽ phát triển công cụ phát hiện video xấu, độc; ban hành hướng dẫn thế nào là video vi phạm thuần phong mỹ tục, nâng cấp dường dây nóng thành trung tâm phát hiện những nội dung dạng này." - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

"Hiện cơ quan quản lý đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 181/2013 về quảng cáo. Trong đó bổ sung quy định là những người cung cấp nội dung quảng cáo xuyên biên giới không chỉ tuân thủ nội dung quảng cáo mà còn phải quản lý cả nội dung khi phát trên mạng và thực hiện nghĩa vụ thuế với Việt Nam. Do đó, việc quy định nghĩa vụ thuế với Việt Nam và kiểm soát dòng tiền nếu nội dung vi phạm pháp luật sẽ là chế tài mạnh tay xử lý những video phản cảm cố tình dùng chiêu trò câu view." - Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do

Hà Thanh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/kiem-soat-chat-thong-tin-tren-youtube-404518.html